Theo Đại tá Nguyễn Viết Thuân - Phó Tư lệnh Vùng D Hải quân, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bộ đội hải quân đã áp dụng tất cả các biện pháp an toàn để ứng phó với bão. Toàn quần đảo đã đón hàng trăm ngư dân và tàu đánh cá của bà con vào tránh, trú bão. Mặc dù bão số 16 (Tembin) vào Trường Sa trực tiếp nhưng 100% ngư dân và bộ đội an toàn tuyệt đối. Tất cả các phương tiện tàu thuyền của bà con và bộ đội trên đảo đều an toàn.
Đảo Phan Vinh bị ngập nước mặn.
Cũng theo Đại tá Thuân, quần đảo Trường Sa vẫn bị thiệt hại nặng nề do sóng đánh cấp 12 và vượt qua đảo, toàn bộ vườn rau trên đảo bị nhiễm mặn, rau xanh đã có hiện tượng chết vì dập nát và táp lá.
"Đây là thiệt hại nặng nề nhất, vì để cải tạo được vườn rau như cũ phải mất hàng trăm tấn đất dinh dưỡng. Phải mất ít nhất 6 mùa mưa, số đất nhiễm mặn mới được làm sạch, đây là những khó khăn không thể đo đếm được đối với bộ đội Trường Sa vì rau xanh trên đảo luôn thiếu thốn", Đại tá Thuân cho hay.
Ngoài ra, hệ thống pin mặt trời trên đảo cũng bị bay mất hàng trăm tấm, một số chuồng chăn nuôi của bộ đội bị tốc mái nhưng những việc này hoàn toàn có thể khắc phục được.
Để hạn chế thiệt hại, hiện nay lãnh đạo chỉ huy Vùng D Hải quân đã chỉ đạo bộ đội tích cực khắc phục những hậu quả của bão, phân loại đất rồi dùng các phương pháp tẩy rửa mặn, sửa chữa những nơi hư hại do gió bão gây ra, để đảm bảo ổn định đời sống cho bộ đội, đặc biệt khắc phục việc thiếu rau xanh do những vườn rau bị nhiễm mặn.
Theo Trung tá Nguyễn Đức Dụ - Phó Chỉ huy quân sự, đảo Phan Vinh là đảo nằm trong tâm bão quét qua đầu tiên. Khi bão quét qua, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ tương đối ổn định, bình tĩnh ứng phó và luôn cảnh giác nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Bão tan, toàn bộ đảo thực hiện công tác vệ sinh dọn dẹp đảm bảo ổn định cho đời sống bộ đội.
Sóng cao đã tràn lên đảo Phan Vinh gây nhiễm mặn.
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính Trường Sa bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và phải mất nhiều năm mới phục hồi được diện tích rau xanh như trước bão.