Theo khảo sát vừa qua của Nielsen, Việt Nam được đánh giá cao về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19.
Tuy vậy, các chuyên gia đánh giá rằng động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia - sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước - khó có thể quay lại như giai đoạn trước khủng hoảng. Do vậy, tăng trưởng giai đoạn hậu Covid-19 sẽ phụ thuộc vào các chính sách kinh tế mới nhằm thúc đẩy sản xuất và tăng cường tiêu dùng.
Ngoài ra, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam trong quý II đạt 117 điểm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có số người tiêu dùng lạc quan đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Khảo sát của Nielsen chỉ ra rằng, sức khoẻ và đảm bảo việc làm là mối quan tâm hàng đầu của người dân, theo sau là những lo ngại về nền kinh tế. Người tiêu dùng cũng có xu hướng ăn uống tại nhà nhiều hơn bên ngoài.
Tăng trưởng ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý I/2020 đã giảm đáng kể, từ 4,6% trong quý IV/2019 xuống còn 0,6% trong quý I/2020. Chỉ riêng trong tháng 3 và tháng 4, con số này đã ở mức giảm 12%, bởi đại dịch đã tác động nặng nề đến các kênh thương mại truyền thống.
Cũng trong giai đoạn này, tăng trưởng thương mại điện tử đã lên tới 23% do người dân có xu hướng hạn chế ra ngoài mua sắm và ưu tiên những kênh mua sắm trực tuyến.
Khảo sát của Nielsen cho biết, 63% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, họ vẫn lựa chọn đi ra ngoài để mua các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay,...
Trong tương lai, hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ càng thay đổi dựa trên mức thu nhập cùng với mối lo ngại của họ về sự ổn định kinh tế trong tương lai. Hầu hết người tiêu dùng nhận định rằng họ đã giảm chi tiêu trong nhà ở giai đoạn dịch bệnh.
Đồng thời, người dân tập trung mua các sản phẩm như mì gói, rau củ quả, thực phẩm đông lạnh nhiều hơn bao giờ hết. Trong khi đó, chi tiêu cho đồ uống có cồn, thuốc lá, đồ uống có ga và nước tăng lực lại giảm đi đáng kể.
Khảo sát của Nielsen cũng nhấn mạnh rằng, người dân đang mong chờ được đi du lịch khi các lệnh cấm đi lại đang dần gỡ bỏ. Bên cạnh đó, họ cũng hi vọng các phương tiện giao thông công cộng và du lịch nội địa sẽ được khôi phục trong 2-3 tháng tới.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục, người dân Việt Nam đã quan tâm đến sức khoẻ của họ nhiều hơn. Thêm vào đó, khoảng 60% người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm nội địa.
Đối với lĩnh vực FMCG, các doanh nghiệp cần đáp ứng nhu cầu người dùng bằng cách đảm bảo nguồn cung, đặc biệt khi tỷ lệ người dân đi ra ngoài mua sắm đã giảm đi đáng kể. Hơn nữa, các thương hiệu FMCG cũng nên tận dụng cơ hội này nhằm hợp lý hoá các danh mục đầu tư cũng như lập ra các chiến lược khuyến mại hiệu quả.