Tờ Straits Times nhận định các công ty nước ngoài đang nhìn vào khu vực Đông Nam Á như một địa điểm thay thế cho Trung Quốc trong chuỗi sản xuất, cung ứng.
Bà Kellie Meiman Hock đến từ đơn vị vấn toàn cầu McLarty Associates cho biết các công ty sẽ đánh giá cách thức quản trị rủi ro đại dịch của mỗi quốc gia khi đưa ra quyết định đầu tư hiện tại. Tính minh bạch trong phản ứng của Chính phủ là điều rất quan trọng, bà nhấn mạnh.
Việc bỏ hết "trứng vào chiếc giỏ Trung Quốc" đã được chứng minh là bài học đắt giá, TS. Pavida Pananond, khoa Kinh doanh quốc tế, Hậu cần và Giao thông của Đại học Thammasat (Bangkok) nhận định.
Sự chuyển dịch nhà máy đã được đề cập khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra và giờ đây được tiếp tục được thổi bùng lên vì đại dịch Covid-19.
Tại Mỹ, một số người đang tin rằng mọi thứ nên được sản xuất ở chính quốc gia này, theo lời ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch cấp cao về chính sách tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN. Một số người khác lại tin rằng việc sản xuất không nhất thiết là ở Mỹ nhưng cần sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Khi đặt lên bàn cân so sánh, Việt Nam được xem là quốc gia đáng chú ý hơn cả. Trước đại dịch, nền kinh tế 95 triệu dân đã được hưởng một số lợi ích từ sự chuyển dịch này nhờ vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trên CNN, ông Samuel Pursch, PGĐ Vriens & Partners cho rằng nhờ dân số trẻ, lực lượng lao động đông đảo hơn các nước Đông Nam Á khác và cơ sở hạ tầng tương đối tốt, Việt Nam đã thực sự nổi lên như một vành đai công nghiệp và công nghiệp phụ trợ hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Một lợi thế khác của Việt Nam là gần Trung Quốc về mặt địa lý. Điều này khiến cho chiến lược Trung Quốc + 1, tức bổ sung thêm cơ sở sản xuất nhưng không từ bỏ thị trường tỷ dân, diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn, không nên tự tin rằng Việt Nam có khả năng thay thế Trung Quốc.
"Việt Nam không thể và không nên định vị là quốc gia thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu", PGS. TS. Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore khẳng định và đưa ra 3 lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc với thị trường 1,4 tỷ dân và tiềm lực mạnh cả về sức mua và công nghiệp phụ trợ sẽ luôn có được quyền lực rất lớn trong định hình lại chuỗi cung ứng này.
Thứ hai, định vị Việt Nam như một điểm đến bổ trợ có độ tin cậy cao trong công thức Trung Quốc +1 thay vì cạnh tranh đối đầu với Trung quốc giúp Việt Nam thành công hơn trong thu hút các đầu tư chiến lược.
Thứ ba, Việt Nam nên tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu để nhanh chóng nâng cấp nền tảng căn bản của nền công nghiệp và năng suất lao động. Dàn trải sức để đón nhận mọi dự án mà không có chiến lược rõ ràng có thể làm Việt Nam dễ tổn thương hơn ở giai đoạn tới – ông Vũ Minh Khương cho biết.