Đây là nhìn nhận của bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) tại tuần lễ Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm năm 2021 vừa khai mạc ngày 13/12 tại TPHCM.
Theo bà Chi, hiện tất cả các DN ngành lương thực, thực phẩm đã trở lại sản xuất an toàn, đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch với 80 – 100% công suất. Thậm chí thời điểm này, các DN còn tăng công suất, tăng ca để tăng lượng hàng hóa, ổn định giá cả, đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2022.
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm xuất khẩu
Do là ngành sản xuất hàng hóa thiết yếu các DN FFA đều được tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm giãn cách khắt khe nhất. Vì vậy, khi tái sản xuất, tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này không nghiêm trọng như các ngành nghề khác.
Tuy nhiên, một thực tế bà Chi đưa ra là trong thời gian tới, các DN, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, nhất là nguồn vốn sản xuất. "Sau các đợt dịch COVID-19 vừa qua, hầu hết DN đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là ngành lương thực, thực phẩm. Nguồn vốn dự trữ của các DN trước đó đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian duy trì sản xuất, đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho TPHCM trong thời điểm giãn cách nên rất cần vay ngân hàng" – bà Chi nói.
Các sản phẩm nông sản Việt xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới |
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14, theo đó cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc, lãi của khoản nợ, miễn giảm lãi, phí. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ DN tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp. Rào cản lớn nhất để DN tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay. Theo bà Chi, mức giảm lãi suất còn thấp cũng là rào cản cho DN.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: "Sau thời gian giãn cách vì dịch bệnh, chúng ta phải tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến bằng hình thức trực tuyến, thì đây là hoạt động quan trọng của ngành lương thực thực phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới, những cái tiến trong chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người dân TPHCM. Triển lãm lần này được thực hiện trong mùa mua sắm Tết, có giá trị quan trọng để DN chuẩn bị nguồn hàng Tết, phục vụ cho nhân dân trong mùa mua sắm cuối năm".
|
Lãnh đạo Sở Công thương TP đánh giá, các tín hiệu thị trường gia tăng tích cực trong những tháng gần đây. Cụ thể, trong tháng 11 đã phát triển tốt hơn tháng 10, tháng 12 cũng được kỳ vọng sẽ bứt phát mạnh. Đây cũng là điều kiện để kích cầu tiêu dùng cho các DN có thể khắc phục những khó khăn trong giai đoạn phòng chống dịch của mình.
Tuần lễ triển lãm sản phẩm quy tụ gần 85 DN sản xuất lương thực, thực phẩm tiêu biểu của thành phố với 716 mặt hàng, 4.700 sản phẩm tham gia trưng bày. Triển lãm diễn ra từ ngày 13-19/12.