Giữa bối cảnh giãn cách toàn Hậu Giang theo Chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp địa phương gặp khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất; tỉnh Hậu Giang đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, đảm bảo công tác phòng dịch.
Nhiều lao động không đi làm vì lo ngại dịch bệnh
Tính đến ngày 23/7/2021, tỉnh Hậu Giang đã trải qua 5 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo tinh thần Chỉ thị số 16, các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, nông nghiệp, xuất, nhập khẩu hàng hóa... vẫn được phép hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Thế nhưng, các doanh nghiệp trong những ngành này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Trong đó, người lao động không đi làm vì lo ngại dịch bệnh đang là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu”. Giám đốc một công ty may mặc tại địa phương chia sẻ, tỷ lệ đăng ký “3 tại chỗ” của người lao động theo Chỉ thị số 08 của UBND tỉnh chỉ đạt 20% vào ngày 20/7, nhưng sáng hôm sau con số thực tế đi làm lại thấp hơn, bởi gia đình người lao động muốn họ ở nhà để an toàn.
Một doanh nghiệp xây dựng tại địa phương cũng cho biết, các công trình hiện phải tạm dừng do người lao động sợ dịch nên chọn ở nhà thay vì tới công trình. Đồng thời, nếu muốn đi làm bắt buộc phải có giấy test nhanh âm tính. Thế nhưng, chi phí test nhanh lại cao hơn tiền lương hàng ngày khiến người lao động gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, một số công ty sản xuất sản lượng chỉ đạt được 20% so với bình thường và dự kiến những ngày sắp tới sản lượng có thể xuống còn 10%.
Nhiều công nhân lo ngại dịch bệnh tại nơi làm việc |
Để khắc phục tình trạng này, nhiều công ty sẵn sàng bố trí “3 tại chỗ” với 1.500 chỗ ở, hay hỗ trợ cho người lao động thêm 50.000 đồng/ngày/người nhưng phần lớn công nhân vẫn lo lắng, ái ngại.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong thực hiện “3 tại chỗ”. Bố trí chỗ ở cho người lao động, với các điều kiện sinh hoạt, ăn uống đảm bảo là điều không dễ khi nguồn cung thực phẩm cho công nhân ở lại doanh nghiệp khan hiếm, thời gian chuẩn bị ngắn. Đồng thời, chi phí xe đưa rước, xét nghiệm cho công nhân và thực hiện yêu cầu “3 tại chỗ” cũng là một vấn đề khiến các doanh nghiệp trăn trở.
Theo ông Phạm Tiến Hoài - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, hơn 3 năm qua, đây là thời gian khó khăn nhất của doanh nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, gần 90% doanh nghiệp theo cơ chế thị trường trong tỉnh đã đóng cửa.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sản xuất an toàn
Hiểu rõ những khó khăn thực thế mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt trong thực hiện “3 tại chỗ”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - ông Đồng Văn Thanh đã chỉ đạo ưu tiên phòng chống dịch, linh hoạt tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, trong buổi đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để giải quyết khó khăn trong tình hình phòng, chống dịch Covid-19 ngày 21/7/2021.
Theo đó, các địa phương tăng cường giám sát hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn; trong đó ưu tiên phòng, chống dịch và linh hoạt tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện “3 tại chỗ”; ngoài việc doanh nghiệp thuê địa điểm bên ngoài hoặc chuyển đổi công năng từ văn phòng, nhà xưởng thành nơi ở của người lao động, chính quyền các cấp khảo sát trưng dụng một số điểm an toàn, phù hợp như trường học,… cung cấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tuân thủ tốt các quy định phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất, chấp hành nghiêm quy định bắt buộc về “luồng xanh vận tải” trong lưu thông. Doanh nghiệp cần tuyên tuyền cho công nhân ý thức bảo vệ sản xuất, bảo vệ chính mình, cố gắng giữ sạch “vùng xanh an toàn” trong khu, cụm công nghiệp, tuyệt đối không để lây nhiễm từ bên ngoài, giúp doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kêu gọi giữ vững vùng xanh an toàn tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh |
Đồng thời, để giảm áp lực kinh tế cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh khẳng định Sở Y tế sẽ hỗ trợ mua test, bộ kit nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Ngoài ra, nếu cần hỗ trợ tập huấn phương pháp lấy mẫu, đọc các test nhanh thì doanh nghiệp có thể lập danh sách gửi về Sở Y tế để tổng hợp và có phân công cán bộ hướng dẫn.
Trước đó, tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: tập trung triển khai các nội dụng của Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; hỗ trợ người lao động tự do, bị mất việc hơn 1.300.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và 1.000.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn...
Tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất nhưng phải đảm bảo công tác phòng dịch, thực hiện nghiêm 5K và “3 tại chỗ”, với chủ trương đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên hàng đầu.
Ngô Linh