Leflair là sàn thương mại điện tử chuyên về thời trang hàng hiệu, được sáng lập vào năm 2015 bởi hai doanh nhân người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun. Từng được coi như một startup tiêu biểu, đứng trong top 10, top 20 của làng khởi nghiệp Việt Nam, thông tin phá sản của Leflair khiến không ít người bất ngờ và tiếc nuối.
Trong lần đầu tiên chính thức xuất hiện và lên tiếng sau những lùm xùm phá sản, vị CEO Loic Gautier không ngần ngại mà thẳng thắn nhìn lại những thành tựu, khó khăn và bài học sau 4 năm phát triển cùng đội ngũ Leflair.
Khởi nghiệp tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn từ 0 đến 1
Từ những ngày mới đầu đến bây giờ, Loic luôn giữ quan điểm rằng Việt Nam là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng và nhận được nhiều sự quan tâm của các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như các quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á nói chung.
Tuy nhiên, vị CEO cảnh báo với các nhà khởi nghiệp rằng đừng nghĩ có thể gọi số vốn lớn tại Việt Nam hay Đông Nam Á (ĐNÁ) mặc dù thị trường này đang thu hút được nhiều sự chú ý hơn châu Âu. Trên thực tế, ĐNÁ thu hút lượng đầu tư ít hơn 15 lần so với ở châu Âu. Thêm nữa, đến 50% lượng vốn được bơm vào ĐNÁ sẽ rơi vào tay của một số công ty nhất định, dường như không còn gì nhiều cho các startup còn lại.
Với tư cách là một doanh nhân nước ngoài khởi nghiệp tại Việt Nam, Loic cho rằng các công ty khởi nghiệp Việt Nam được mở ra với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các khu vực khác, việc thành lập công ty cũng dễ dàng, quy định thủ tục đơn giản hơn ở nước ngoài.
Hai nhà sáng lập Leflair: Loic Gautier (bên phải) và Pierre-Antoine Brun (bên trái).
Tuy nhiên, “điểm nghẽn” ở chỗ khởi nghiệp tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn từ 0 đến 1. Điều này có nghĩa rằng không khó để bắt đầu một doanh nghiệp mới với quy mô nhỏ nhưng lại có rất nhiều rào cản để gây dựng được một doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt là với thị trường tiêu dùng.
Loic cho rằng đó cũng là lý do tại sao phần lớn nguồn vốn ngày nay được đầu tư vào các doanh nghiệp kỹ thuật, không phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng hoặc tâm lý người tiêu dùng như bất động sản và sản xuất.
“Một lời khuyên dành cho các doanh nhân là đừng khởi nghiệp với suy nghĩ rằng bạn sẽ có thể kiếm được hàng tấn tiền, bởi vì về mặt thống kê, điều đó sẽ không thể xảy ra”, vị CEO khẳng định.
“Tăng trưởng là câu trả lời cho mọi vấn đề”
Cuối năm 2019, tình hình kinh doanh bết bát của những startup đình đám vốn được định giá cả tỷ USD như Uber, Lift, WeWork hay “Starbucks của Trung Quốc” Luckin Coffee đã khiến giới khởi nghiệp và đầu tư phải nhìn nhận lại chiến thuật của mình. Quan điểm đốt tiền để đổi lấy tăng trưởng mặc cho kinh doanh chưa thấy lợi nhuận không còn được ưa chuộng, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế do Covid như hiện nay.
Về đợt gọi vốn đầu tư khoảng 30 - 40 triệu USD vào năm 2019, Loic cũng khẳng định sẽ dùng để đẩy mạnh về quảng cáo, marketing và tăng doanh thu gấp 2, 3, 4, thậm chí 5 lần. Rất tiếc sau đó kế hoạch kêu gọi đầu tư đã không thành, khiến startup rơi vào cảnh tài chính khó khăn.
Tuy nhiên, CEO Leflair vẫn cho rằng: “Tăng trưởng là câu trả lời cho mọi vấn đề mà một startup có thể có. Bạn nên luôn luôn theo đuổi sự tăng trưởng vì nó có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề khác.”
Ngoài ra, làm rõ quan điểm từng chia sẻ trên trên TechinAsia, Loic cho biết việc phá sản chắc chắn sẽ là điều không hề dễ chịu, với nhà sáng lập và những người đồng hành cùng họ.
Với nhà đầu tư, đúng là họ mất rất nhiều tiền nhưng họ sẽ ổn bởi nguồn lực tài chính tốt hơn, thậm chí còn có 10 đến 20 khoản đầu tư khác. Tuy nhiên, người chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả là những nhân viên, đồng nghiệp, những người có thể đang phải trang trải tiền thế chấp, mua xe mới, sắp kết hôn hay vừa có con,...
“Họ phải trải qua nhiều khó khăn nhất. Đó cũng là điều làm tôi thấy đau lòng nhất.”
Tuy nhiên, với quan điểm rằng Việt Nam vẫn là một thị trường rất tiềm năng, vị CEO cho biết Leflair sẽ không phải là công ty duy nhất anh gây dựng tại đây. Dù chưa tiết lộ điều gì rõ ràng nhưng Loic cho biết hiện đang muốn tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm và những gì đã học được sau vài năm khởi nghiệp cho các công ty hoặc người khác.