Hai miền Triều Tiên đã làm nên lịch sử với Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4. Bây giờ là lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhập cuộc.
Nếu thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra và ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên mặt đối mặt với một nhà lãnh đạo Triều Tiên, đâu sẽ là ưu tiên đàm phán hàng đầu? Chính là vấn đề phi hạt nhân hóa!
Trong Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, phi hạt nhân hóa được nhắc đến như sau: Hàn Quốc và Triều Tiên cùng chung mục đích tiến tới "bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân, thông qua tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn". Tuy nhiên, chính Bình Nhưỡng đã hứa như vậy trong các thỏa thuận với Seoul (năm 1992) và Washington (năm 1994) song tới nay, thực tế chứng minh điều ngược lại. Giờ đây, với khoảng 20-60 đầu đạn hạt nhân trong tay, ông Kim Jong-un sẽ sẵn lòng từ bỏ chúng? Từ bỏ toàn bộ hay chỉ một phần? Trong bao lâu? Làm sao để kiểm chứng?
Người dân Hàn Quốc đọc báo về cuộc họp thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: REUTERS
"Nếu thiếu một kế hoạch chi tiết trong khoảng 2-3 năm, hầu hết cam kết sẽ chỉ là hứa hẹn không hơn không kém" - ông David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và an ninh quốc tế (Mỹ), nói với báo USA Today. Muốn vậy, theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, phải tập hợp đội ngũ chuyên gia thương thuyết, thanh sát viên vũ khí quốc tế cũng như đồng thuận thuật ngữ "phi hạt nhân hóa".
Hãng tin Bloomberg cho rằng trong khi người Mỹ nghĩ "phi hạt nhân hóa" tức là Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình và vũ khí hạt nhân thì Bình Nhưỡng lại nghĩ Washington phải rút hết các khí tài hạt nhân dùng để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các cố vấn của Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh những vấn đề còn để ngỏ trong Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm sẽ dành cho các bên khác làm rõ chi tiết, hay nói cụ thể hơn là bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào cũng phải có sự tham gia của tổng thống Mỹ. Trước câu hỏi ông Kim Jong-un có thật lòng muốn đàm phán hay không, ông Moon Chung-in, Cố vấn đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc, trả lời đầy ẩn ý trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN hôm 27-4: "Họ cũng muốn có một tòa Tháp Trump và cửa hàng McDonald’s".
Nhiều chuyên gia nghi ngờ ông Kim chịu phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Thay vào đó, họ cho là nhà lãnh đạo trẻ muốn đạt được thỏa thuận 50/50 - tức là vừa có hỗ trợ để phát triển kinh tế Triều Tiên vừa giữ được phần nào kho vũ khí hạt nhân để tạo sức mạnh răn đe.
Báo The New York Times nhận xét ông Kim đã học được nghệ thuật gây bất ngờ từ ông nội mình - nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và cũng là người phát động tấn công Hàn Quốc vào năm 1950 trong sự ngỡ ngàng của cả thế giới. Chính vì vậy, chuyên gia về Triều Tiên của Trường ĐH Tufts (Mỹ) Sung-yoon Lee lo ngại Tổng thống Trump "đang bước vào một cái bẫy công phu mà không biết" và "sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt sớm hơn cần thiết".