Câu chuyện chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go bán lại cho tập đoàn Vingroup với giá tượng trưng 1 USD đã gây xôn xao dư luận hồi tháng 4 vừa qua. Đi vào hoạt động từ năm 2006, từng có thời điểm sở hữu mạng lưới lớn nhất Việt Nam với 100 cửa hàng, vượt qua những tên tuổi như Circle K hay FamilyMart nhưng cuối cùng Shop&Go lại có kết cục không mấy vui vẻ.
Trong khuôn khổ chương trình CEO – Chìa khóa thành công Forum 2019 tổ chức cách đây không lâu, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam, người từng sở hữu thương hữu thương hiệu Shop&Go vẫn không giấu nổi cảm giác cay đắng khi nhắc lại chuyện cũ.
Anh chia sẻ: "10 năm trước chúng tôi mở 100 cửa hàng tiện lợi nhưng sau đó bán đi với giá 1 USD, trong khi tất cả những cửa hiệu khác đều đang mở rộng ra, rất nhiều người quyết đầu tư vào lĩnh vực này. Ngày báo chí đăng, tôi nói họ đừng đăng tên chủ đầu tư vì chúng tôi đã chuyển giao toàn bộ 100 cửa hàng cho Vingroup rồi", doanh nhân Nguyễn Hoài Nam ngậm ngùi tiết lộ, đồng thời cho biết anh vẫn thấy xấu hổ đến mức không muốn nhắc đến tên của thương hiệu cũ nữa.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam.
Giống với nhiều mô hình cửa hàng tiện lợi hiện nay, Shop&Go hoạt động 24/24, chuyên bán các mặt hàng tiêu dùng, đồ ăn nhanh, thức uống pha chế, các dịch vụ tiện ích như máy rút tiền tự động ATM, bán thẻ nạp điện thoại, thẻ gọi điện thoại đường dài IDD card... Đối tượng khách hàng chính của Shop&Go là những người nhắm đến sự tiện lợi trong phong cách phục vụ với những sản phẩm chất lượng cao, môi trường sạch sẽ và hiện đại tại cửa hàng.
Tuy nhiên trước sức ép cạnh tranh trên thị trường, tình hình kinh doanh của Shop&Go dần đi xuống. Năm 2016, hệ thống này đạt 267 tỷ đồng doanh thu và lỗ gần 40 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, Shop&Go đã lỗ lũy kế 205 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có vỏn vẹn 1,27 tỷ đồng. Đến tháng 10/2018, vốn điều lệ của công ty này được tăng mạnh lên 207,27 tỷ đồng nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Cuối cùng, chính phía Shop&Go đã chủ động đề nghị "tặng lại" chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Vingroup.
"Lý do là mỗi tháng đều đặn Shop&Go lỗ 200.000-300.000 USD", ông Nguyễn Hoài Nam thừa nhận.
"Bài học của chúng tôi là chúng tôi quá kỳ vọng vào thị trường, cứ nghĩ rằng 100 triệu dân của chúng ta là thị trường vô cùng lớn cho ngành bán lẻ. Càng đẩy hy vọng lên thì chúng tôi càng cảm thấy quá xa vời với ánh sáng ở cuối đường hầm. Cho tới bây giờ tôi tin chắc vẫn chưa có công ty bán lẻ nào và chuỗi cửa hàng tiện lợi nào có lãi cả".
Shop&Go lẽ ra có thể bán giá cao hơn
Cũng xuất hiện tại sự kiện, ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch Phú Thái Group, một đơn vị đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam, cho rằng muốn đạt được điểm hòa vốn trong kinh doanh của hàng tiện lợi, mỗi mô hình cần có từ 300-500 cửa hàng, với điều kiện phát triển đúng theo chuẩn của một cửa hàng tiện lợi.
Trường hợp mô hình cửa hàng tiện lợi phát triển bài bản, đúng format, thì dù bị lỗ chủ đầu tư vẫn có khả năng bán lại cho nước ngoài. Như trước đây, ông cũng từng tham gia đầu tư trong mảng này nhưng sau đó bị lỗ. Cuối cùng hệ thống vẫn bán được cho đối tác ngoại, thậm chí đối tác chủ động đề nghị mức giá gấp 3 lần khoản đầu tư ban đầu.
Lý giải về điều tưởng chừng rất vô lý này, chủ tịch Phú Thái cho biết bất cứ hãng bán lẻ ngoại nào nhảy vào Việt Nam cũng cần trải qua quá trình "lỗ theo kế hoạch", nghĩa là phải đầu tư trước mắt sau đó mới phát triển lên và thu lãi. Nếu mua lại các chuỗi bán lẻ có sẵn trên thị trường, họ vừa tận dụng mặt bằng và cơ sở vật chất trước đó, vừa không mất thời gian triển khai.
"Việc đàm phán bán Shop&Go đã tốt chưa lại là vấn đề đấy. Tôi nghĩ có thể chưa tốt và anh Nam có thể vẫn bán được giá cao được", chủ tịch Phạm Đình Đoàn nhận định.