Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân thuộc Cty TNHH MTV cán nóng thép Cái Lân (Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) được Tập đoàn Vinashin (cũ) xây dựng từ năm 2003 trên diện tích 15 ha tại khu Công nghiệp Cái Lân (TP. Hạ Long).
Nhà máy có mức khai toán 3.300 tỉ đồng, công suất giai đoạn đầu là 500 nghìn tấn sản phẩm thép tấm đóng tàu/năm từ dây chuyền, công nghệ của Trung Quốc. Ngành đóng tàu trong cả nước từng kỳ vọng nó sẽ cung ứng phần lớn thép tấm khổ lớn thay thế nhập khẩu để phục vụ đóng những con tàu biển có tải trọng hàng vạn tấn trong các nhà máy sản xuất của Vinashin.
Tuy nhiên sau đại án xảy ra tại Vinashin, số phận nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân được cho là lớn nhất nước buôc phải dừng đốt lò, trong khi đã đầu tư đồng bộ trên 90% công năng sản xuất.
Kể từ đó đến nay, sau nhiều năm bỏ hoang, Báo Lao Động đã có nhiều loạt bài phản ánh về thực trạng xuống cấp, những băn khoăn của người trong cuộc, dư luận về hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước đang bị "mục ruỗng" theo năm tháng.
Dường như mọi thứ ngày càng xấu đi. Phía trong nhà máy lác đác vài bảo vệ canh trực, cảnh tượng như một nhà máy hoang tàn, tan tác và các thiết bị bên trong hoen rỉ như bỏ hoang tới hàng thập kỷ...
Rao bán không ai mua
Chia sẻ với Lao Động, ông Hoàng Việt Văn - Giám đốc Cty cán nóng thép Cái Lân cũng thừa nhận sự xuống cấp nghiêm trọng của nhà máy cán thép.
Nhiều chi tiết bị hỏng, đặc biệt là nước biển ngấm làm hỏng các hầm chứa hệ thống thủy lực chìm (lắp đặt dưới hầm sâu 8,5 m) -điều khiển trục quay máy cán chính do lâu ngày không duy trì bảo dưỡng.
Bi đát hơn, trên 30 lao động thuộc Cty cán nóng thép Cái Lân hiện đang trông coi nhà máy hàng ngày rơi vào tình cảnh nhiều tháng không lương.
Tình cảnh ở đây do phụ thuộc Cty mẹ hiện đang hết sức khó khăn, nhà máy lại không hoạt động, nên số phận của họ trông chờ hoàn toàn vào một số đơn vị bên ngoài thuê mặt bằng sản xuất nhằm để lấy tiền chi trả tạm ứng lương hàng tháng và các chi phí khác để "giữ người" trông coi nhà máy.
Do số tiền đầu tư rất lớn 3.300 tỉ đồng xây dựng nhà máy hầu hết là đi vay ngân hàng. Trong nhiều năm qua đơn vị quản lý và phía lãnh đạo SBIC đã có văn bản "cầu cứu" các bộ, ngành nhằm có kế sách, phương án xử lý số phận nhà máy, nhưng xem ra đều rời vào bế tắc.
"Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án xử lý như liên kết, liên doanh cổ phần, bán nhà máy và cho thuê nhà máy nhưng nhiều nhà đầu tư (cả nước ngoài) đến khảo sát xong đều không quay trở lại...", ông Hoàng Việt Văn nói.
Cũng theo lãnh đạo Cty cán nóng thép Cái Lân, trong cuộc họp "tái cơ cấu" nhằm đưa ra phương án xử lý nhà máy mới đây vào trung tuần tháng 9.2018, một đề xuất đề nghị SBIC có ý kiến với Bộ GTVT trình Thủ tướng xem xét cho áp dụng phương án phá sản.