Fe Credit là cái tên đã rất quen thuộc với thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt là 3 năm trở lại đây. Riêng năm 2017, Fe Credit được người ta chú ý nhiều hơn khi VPBank – ngân hàng mẹ sở hữu 100% vốn – chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán, và hoạt động của Fe Credit được công bố minh bạch qua các báo cáo tài chính.
Số liệu cho thấy, lợi nhuận mà Fe Credit đang mang lại cho VPBank đang nhiều hơn cả ngân hàng mẹ làm ra. Nếu tính riêng hiệu quả kinh doanh thì Fe Credit đang ghi nhận lợi nhuận cao hơn rất rất nhiều.
Chẳng hạn như 9 tháng đầu năm 2017, trong tổng thu nhập lãi thuần hơn 14.900 tỷ của ngân hàng hợp nhất thì Fe Credit đóng góp tới hơn 8.300 tỷ, tức bằng 126% so với của VPBank làm ra. Riêng quý 3, lợi nhuận trước thuế của Fe Credit đạt 1.600 tỷ (tương đương kết quả đạt được trong cả năm 2016), trong khi ngân hàng mẹ chỉ đạt 771 tỷ, tức gấp hơn 2 lần so với ngân hàng mẹ.
Nhờ được đầu tư mạnh, Fe Credit đang chiếm lĩnh hơn nửa thị phần tài chính tiêu dùng ở Việt Nam (khoảng 48%) và được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho VPBank. Ngân hàng đặt mục tiêu 2018 lợi nhuận đến từ công ty này vào khoảng 5.000 tỷ đồng – một con số rất đáng mơ ước của bất kỳ ngân hàng nào.
Trên thị trường tài chính tiêu dùng, bên cạnh Fe Credit thì một cái tên nữa cũng được nhắc đến khá nhiều đó là HD Saison – liên doanh công ty tài chính của HDBank và tập đoàn Saison đến từ Nhật.
Các số liệu hiện nay cho thấy, thị phần của HD Saison hiện cũng đáng mơ ước, nằm trong top 3 công ty tài chính có thị phần cao nhất, nhưng kết quả mà công ty này đem lại cho ngân hàng HDBank thì sao?
Bứt tốc mạnh
HDSaison là Công ty TNHH MTV Tài chính Việt - Société Générale (“SGVF”) do HDBank mua từ đối tác nước ngoài năm 2014, rồi đổi tên Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (“HDFinance”). Đầu năm 2015, HDFinance được bán 49% cho tập đoàn Saison của Nhật, tiếp tục đổi tên thành HD Saison cho đến nay.
Thời kỳ là SGVF, công ty này sau 3 năm hoạt động thì hòa vốn và năm 2010 bắt đầu có lãi được 5 tỷ. Song từ khi chuyển về tay HDBank và liên doanh, HDSaison bứt tốc nhanh chóng.
Tính đến ngày 30/09/2017, HD Saison đạt tổng dư nợ cho vay là 8.979 tỷ đồng, chỉ thấp hơn Fe Credit trong thị trường này. Hoạt động cấp tín dụng của HD Saison được thực hiện thông qua các đơn vị mạng lưới bao gồm 1 chi nhánh tại Hà Nội và hệ thống 10.285 điểm bán hàng đặt tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với tổng cộng hơn 3,2 triệu khách hàng.
HD Saison ghi nhận năm 2016 tăng trưởng từ thu nhập lãi thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 83,2% và 49,7% tương ứng với giá trị tuyệt đối là 2.153 tỷ đồng và 353 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ cho vay lên đến 71,6% trong năm 2016 với mức lãi suất cho vay dao động từ 27 - 49% tùy từng phân khúc sản phẩm cho vay.
Ngoài ra, HD Saison đã cải thiện đáng kể tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 30,2% trong năm 2015 lên 32,8% trong năm 2016 nhờ kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 5,2% - thấp nhất trong nhóm các công ty tài chính. Nợ xấu được kiểm soát tốt nhờ phân chia danh mục hợp lý, bao gồm 39,8% cho vay xe máy; 26,1% cho vay thiết bị gia dụng; 31,2% cho vay tiền mặt và 2,8% cho vay các sản phẩm mới khác như xe tải và giáo dục. Riêng các khoản vay bằng tiền mặt, HD Saison chỉ cho vay tiền mặt đối với khách hàng hiện tại có hồ sơ tín dụng đã được chứng minh có lịch sử trả nợ tốt.
Sự hiện diện của HD Saison được nhìn thấy rõ ở các điểm bán xe máy, ô tô, cửa hàng điện thoại và thiết bị gia dụng, cửa hàng nội thất và nhà hàng tiệc cưới, có thể kể đến như những cái tên khá đình đám: Thế giới di động, FPT, Viễn Thông A, Chợ Lớn, Big C, Honda, Yamaha, Piaggio và Nguyễn Kim đã giúp tăng đáng kể số lượng điểm bán hàng.
Lợi nhuận không phi mã như công ty đối thủ nhưng hứa hẹn bền vững
Chiến lược của HD Saison là phân tán rủi ro giữa các khách hàng nhằm tăng trưởng cho vay bằng cách tiếp nhận thêm khách hàng thay vì gia tăng khoản vay cho khách hàng hiện hữu. Việc duy trì quy mô khoản vay cho mỗi khách hàng ở mức thấp sẽ làm giảm rủi ro đối với HD Saison. Thêm vào đó, HD Saison tập trung vào các khoản vay giá trị nhỏ và thời hạn ngắn, phần lớn các khoản vay có giá trị dưới 30 triệu đồng và thời hạn dưới một năm nhằm kiểm soát được rủi ro tín dụng đối với từng khách hàng và giảm thiểu rủi ro tập trung của danh mục cho vay của công ty.
HD Saison đã phát triển và tăng trưởng các kênh bán hàng thông qua nhân viên bán hàng trực tiếp tại các điểm bán hàng hợp tác với các đối tác kinh doanh. Sắp tới HD Saison có kế hoạch tiếp tục thiết lập các kênh phân phối mới bao gồm các sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu và và sản phẩm cho vay trực tuyến mua vé máy bay Vietjet Air. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ chú trọng tối đa hóa doanh thu từ việc bán chéo sản phẩm bảo hiểm cũng như mở rộng danh mục các sản phẩm bảo hiểm cung cấp cho người vay, bao gồm nhưng không giới hạn các dòng sản phẩm chăm sóc y tế cho gia đình, v.v…
Với chiến lược phát triển này cùng với vị thế đã đạt được và nền tảng tốt, HDSaison được kỳ vọng là sẽ mang lại lợi nhuận tốt và bền vững cho ngân hàng hơn so với các đối thủ.
Theo nhận xét của công ty chứng khoán HSC, năm qua HDSaison đóng góp gần 39% vào lợi nhuận của HDBank hợp nhất và vai trò của công ty này không trọng yếu như Fe Credit ở VPbank nên xét về lâu dài thì rủi ro của HDBank sẽ thấp hơn.
Được biết kế hoạch của HDBank là sẽ không đẩy HDSaison lên quá cao mà hoạt động của ngân hàng vẫn là cốt lõi nhằm hướng tới sự an toàn. Dự kiến trong vòng 3 năm tới đóng góp của công ty này vào lợi nhuận sẽ là 30 – 35%. Với con số lợi nhuận dự kiến hơn 3.900 tỷ trong năm 2018 và tỷ lệ đóng góp như vậy thì HD Saison rõ ràng được dự liệu sẽ mang về lợi nhuận nghìn tỷ cho HDBank trong thời gian tới, thay vì mức vài trăm tỷ như vài năm qua.