Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2022 chiều 26/4, trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình kinh doanh quý 1 và triển vọng mảng bảo hiểm nhân thọ liên kết ngân hàng, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết, với đà phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh, HDBank ghi nhận kết quả khả quan với tăng trưởng tín dụng 9,7%, tăng trưởng huy động vốn cao hơn toàn ngành với 8,1%. Chất lượng tài sản cải thiện, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất chỉ ở mức 1,17%, nợ xấu riêng lẻ theo định lượng là chưa đến 0,8%. Chỉ số an toàn vốn CAR đạt 14,2%. ROE quý 1 đạt hơn 25%.
Thu nhập của HDBank từ mảng dịch vụ, thu ngoài lãi tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có đóng góp tích cực từ mảng Bancas – thuộc top 5 thị trường và đang phấn đấu chiếm lĩnh vị trí cao hơn.
Mảng Banca khởi động lại vào cuối năm 2020 và thứ hạng trên thị trường liên tục cải thiện. Tới tháng 3/2022 là top 5 trên thị trường Banca, là ngân hàng duy nhất trong top đầu chưa ký hợp đồng độc quyền nào với đối tác bảo hiểm. Đây thể hiện sự hấp dẫn của mảng Banca của HDBank. Ở góc độ điều hành, HDBank còn nhiều room phát triển mảng bảo hiểm cũng như cơ hội tăng trưởng mà chưa cần hỗ trợ độc quyền của đối tác bảo hiểm, điều đó tạo giá trị cao hơn cho ngân hàng, giúp HĐQT có thể chọn lựa được đối tác mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông trong thời gian tới.
"HDBank chưa bằng lòng với vị trí thứ 5 trên thị trường như hiện tại mà hướng tới vị trí thứ 4 thứ 3 trong năm nay" - ông Thanh nói.
Ở mảng phi nhân thọ chưa đóng góp nhiều như nhân thọ, nhưng càng ngày càng đóng góp cao vào doanh thu phí của bảo hiểm nói chung cho HDBank trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT bổ sung thêm, việc ký kết độc quyền bảo hiểm nhân thọ đang là lợi thế của HDBank so với thị trường. Với giá trị hiện tại, đối tác có thể giúp ngân hàng thu về hàng chục ngàn tỷ đồng.