Theo báo cáo tài chính kiểm toán Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank, mã HDB-HoSE) vừa công bố, cho vay cá nhân đang đóng góp ngày càng lớn vào tổng dư nợ tín dụng của nhà băng này.
Đến cuối năm 2017, dư nợ khách hàng cá nhân xấp xỉ 47.385 tỷ đồng, tăng 29% so với thời điểm cuối năm 2016. Tín dụng cá nhân tiếp tục giữ ngôi đầu trong cơ cấu tín dụng theo đối tượng khách hàng của HDBank. Tỷ trọng mảng này tăng từ 44,67% lên 45,35%. Cho vay với nhóm công ty cổ phần cũng tăng nhưng thấp hơn mức tăng chung khiến tỷ trọng còn gần 29%.
Dư nợ cho vay theo nhóm khách hàng của HDBank (đơn vị: Tỷ đồng)
Cùng với đó, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn cũng có sự biến động mạnh. Các khoản vay ngắn hạn tăng gần 65% lên hơn 56.000 tỷ đồng. Dư nợ trung dài hạn trong khi đó giảm về 48.400 tỷ đồng, chiếm 46,3% tổng dư nợ của ngân hàng. HDBank cũng tích cực sử dụng nguồn vốn rẻ trên thị trường liên ngân hàng. Thời điểm cuối năm 2017, tiền từ vay các tổ chức tín dụng khác đạt 24.973 tỷ đồng, gấp 4 lần số dư năm trước.
Ngoài ra, ở hoạt động huy động vốn, tiền gửi không kỳ hạn với giá vốn rẻ (lãi suất từ 0%-1%) tăng hơn 48% lên 14.555 tỷ đồng. Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trên tổng huy động (CASA) nhờ đó tăng từ 9% lên 12%.
Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn lần đầu lên mức 2 con số từ năm 2011
Tổng tiền gửi khách hàng trong năm qua đã tăng trưởng 20%, nâng số dư huy động vốn trên thị trường 1 xấp xỉ 120.538 tỷ đồng. Ngoài ra, HDBank còn là một trong các ngân hàng được lựa chọn làm trung gian nhận nguồn vốn tài trợ chương trình hỗ trợ chính sách cải cách điện, vốn tài trợ dự án cấp nước Nhơn Trạch...
Với sự gia tăng của phần lớn các nguồn huy động, tổng tài sản của HDBank tăng 26% so với thời điểm đầu năm lên hơn 189.000 tỷ đồng. Con số này vượt mức kế hoạch 178.800 đồng ngân hàng đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của nhà băng này cũng vượt xa kỳ vọng. Lợi nhuận trước thuế cả năm xấp xỉ 2.416 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016 và vượt 86% kế hoạch.
Theo đánh giá của SSI Research, kết quả này phần lớn nhờ vào cho vay tăng trưởng mạnh, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm, và chi phí trích lập dự phòng không đổi. Thu nhập lãi ròng (NII) đạt mức tăng trưởng 36,27% so với cùng kỳ, nhờ tăng dư nợ cho vay và duy trì hệ số thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức 4,1% (2017) so với 4,08% (2016).
Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài gòn nhận định HDBank có nhiều động lực tăng trưởng trong vài năm tới, đến cả từ ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng. HD Saison đã chứng tỏ tiềm năng lợi nhuận lớn với tăng trưởng tín dụng cao, và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt. Còn với ngân hàng mẹ, các mảng đóng góp chính vào tăng trưởng vẫn là khoản vay cá nhân và doanh nghiệp SME.
Tại ĐHĐCĐ tổ chức một năm trước, HDBank quyết định chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%. Ngân hàng sau đó đã phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 2%. Tổng số cổ phần cổ đông hiện hữu nhận được trong năm trước là 9%.
Mức cổ tức năm 2017 dự kiến trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 ngày 21/4 tới đây đã tăng gấp đôi lên 15% và toàn bộ bằng tiền mặt. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là mức cổ tức bằng tiền mặt cao nhất hệ thống. Cùng đó, ngân hàng còn chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Như vậy tổng tỷ lệ cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông đợt tới là 35%, cao hơn con số 30% ngân hàng này cam kết với cổ đông trước khi chào sàn.
Sau kết quả tăng trưởng ấn tượng năm 2017, HDBank tiếp tục đề ra mục tiêu lợi nhuận năm 2018 sẽ vượt 3.900 tỷ đồng, tăng gần 63% cùng kỳ. ROE kế hoạch sẽ đạt trên 20%. Tăng trưởng dư nợ cho vay và huy động kế hoạch lần lượt là 40% và 30,3%. Mạng lưới giao dịch dự kiến sẽ mở rộng thêm 45 điểm lên 285 điểm giao dịch.
>> HDBank mạnh tay chia cổ tức 15% tiền mặt và thưởng 20% cổ phiếu