Kế hoạch được khởi động cách đây 7 năm
7 năm trước, tại căn biệt thự đối diện với một hồ nước ở Thâm Quyến, một nhóm nhỏ các giám đốc điều hành của Huawei - dẫn đầu bởi nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, đã tổ chức một cuộc họp kín kéo dài trong vài ngày. "Nhiệm vụ" của họ là lên ý tưởng về cách Huawei sẽ phản ứng thế nào với sự thành công của hệ điều hành Android trên khắp thế giới. Mối quan tâm chủ yếu của họ là, sự phụ thuộc vào Android có thể khiến công ty này bị Mỹ cấm cửa.
Theo nguồn tin thân cận, nhóm các giám đốc điều hành đồng tình rằng Huawei nên có một hệ điều hành riêng, độc quyền như Android. Cuộc họp đó sau này được nội bộ công ty gọi là "cuộc họp bên hồ" và việc tiếp cận những tài liệu liên quan đến sự kiện này được kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt.
Sau các cuộc thảo luận và chỉ đạo từ ban quản lý cấp cao, một nhóm chuyên gia về hệ điều hành do các giám đốc điều hành lãnh đạo, bao gồm Eric Xu Zhijun - hiện là 1 trong 3 chủ tịch luân phiên của Huawei, được thành lập và bắt đầu thực hiện dự án nghiên cứu hệ điều hành mới trong điều kiện được bảo mật chặt chẽ.
Một khu vực chuyên biệt đã được xây dựng bên trong khuôn viên Huawei dành cho đội nghiên cứu hệ điều hành, bên ngoài cửa là các vệ sĩ đứng giám sát. Chỉ có những thành viên thuộc nhóm này mới được phép đi vào. Điện thoại cá nhân không được phép mang theo, họ phải cất ở tủ khoá bên ngoài.
Dự án hệ điều hành mới đã trở thành một phần quan trọng của Phòng thí nghiệm Huawei vào năm 2012. Hầu hết kết quả nghiên cứu của phòng thí nghiệm này đều không được công khai, trong đó có cả dự án về hệ điều hành, cho đến những năm gần đây khi Huawei trở thành nhà cung ứng smartphone lớn thứ 2 thế giới.
Người phát ngôn của Huawei cho biết: "Như chúng tôi đã lưu ý từ trước, Huawei có các hệ thống dự phòng nhưng chỉ được sử dụng trong tình huống không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi hết mình hỗ trợ hệ điều hành của các đối tác. Chúng tôi thích sử dụng chúng và khách hàng cũng vậy. Android và Windows luôn là sự lựa chọn đầu tiên của chúng tôi. Thời gian này, chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ quyền lợi của khách hàng."
"Sóng gió" dồn dập kéo đến
Chủ đề về hệ điều hành độc quyền của Huawei đã xuất hiện vào tháng 3 năm nay, khi giám đốc điều hành Richard Yu Chengdong tiết lộ công ty đã phát triển hệ điều hành riêng dành cho smartphone và máy tính, có thể sử dụng trong trường hợp các công ty Mỹ rút hợp đồng bản quyền. Nhận định của ông Yu được đưa ra sau khi Mỹ bắt đầu gia tăng áp lực lên Huawei về việc phát triển mạng lưới 5G toàn cầu, cảnh báo các đồng minh rằng việc này có thể gây ra những rủi ro về an ninh quốc gia.
Chủ đề này còn trở nên nóng hơn nữa khi chính phủ Mỹ quyết định đưa Huawei vào "danh sách đen" - hạn chế việc công ty này mua dịch vụ và bộ phận từ Mỹ, hồi tháng 5 vừa rồi. Google, Microsoft đều "quay lưng" với đối tác lớn này. Theo đó, thời hạn với Huawei chỉ là 90 ngày kể từ khi Mỹ bắt đầu ra lệnh trừng phạt cho tới khi nguồn cung bị chặn hoàn toàn, Huawei cuối cùng cũng lên tiếng công khai về kế hoạch bí mật xây dựng một hệ điều hành thay thế cho Android.
Theo nguồn tin giấu tên, hệ điều hành của Huawei (tạm gọi là Huawei OS) được thiết kế dựa trên một hạt nhân nhẹ và có thể phản ứng nhanh với những lần điều chỉnh và lỗi. Các kỹ sư của Huawei cũng đã nghiên cứu rất kỹ từ Android và iOS để lấy kinh nghiệm. Một trong những thách thức về kỹ thuật lớn nhất đó là khả năng tương thích với Android.
Khả năng tương thích sẽ cho phép một điện thoại Huawei có hệ điều hành riêng để tải xuống và chạy các ứng dụng của Android một cách trơn tru. Có được sự tương thích với Andoid có nghĩa là các nhà phát triển ứng dụng trên toàn cầu không cần phải phát triển thêm mã cho Huawei OS nữa. Nếu Huawei OS không thể chạy các ứng dụng Android thì việc thiếu hệ sinh thái hỗ trợ riêng thiết bị của Huawei sẽ là vấn đề gây đau đầu cho họ.
Năm ngoái, Huawei đã đăng ký tên thương hiệu "Huawei Hongmeng", có nghĩa là "thế giới nguyên thuỷ". Từ đó, nhiều ý kiến suy đoán rằng đây có thể là tên của hệ điều hành mới. Hệ điều hành riêng của Huawei có thể hỗ trợ một loạt các sản phẩm và hệ thống trong hệ sinh thái của họ, bao gồm smartphone, tablet, máy tính, TV, ô tô và thiết bị đeo thông minh, có sự tương thích với tất cả các ứng dụng Android và ứng dụng web hiện hành, ông Yu tiết lộ. Ngoài ra, ông còn cho biết: "Huawei OS sẽ được ra mắt vào mùa thu năm nay và không muộn hơn mùa xuân năm sau."
Dù đã lên kế hoạch chuẩn bị từ lâu cho kịch bản tệ nhất, thì vụ bắt giữ CFO Mạnh Vãn Chu vào cuối năm ngoái cùng những "sóng gió" kể từ đó đã khiến Huawei phải đẩy nhanh kế hoạch, ông Nhậm Chính Phi chia sẻ với truyền thông Trung Quốc hồi cuối tháng 5. Khi Mỹ chuyển sang tấn công trực diện, thì việc ra mắt hệ điều hành mới đối với họ đã trở nên gấp gáp hơn.
Nguồn tin ẩn danh cho hay: "Huawei vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ để đưa hệ điều hành mới vào sử dụng khi lệnh trừng phạt của Mỹ bất ngờ được đưa ra". Mặc dù hệ điều hành thay thế cho Android đã được nhóm chuyên gia của Huawei chạy thử nghiệm "hàng nghìn lần", "nhưng vẫn chưa được vận hành trên các dòng sản phẩm tiêu dùng, điều đó có nghĩa là Huawei chưa thể đưa ra thời gian phát hành chính thức."