Năm ngoái, Tập đoàn Geleximco đã thực hiện 2 đợt tăng vốn điều lệ để tăng quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng lên 9.600 tỷ đồng. Chi tiết các cổ đông mới sở hữu cổ phần không được công bố, trước đó Gelexim do anh em doanh nhân Vũ Văn Hậu và Vũ Văn Tiền sở hữu phần lớn cổ phần.
Việc tăng vốn đẩy quy mô tổng tài sản công ty mẹ Geleximco lên hơn 31.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Nếu hợp nhất thêm các công ty con, quy mô vốn và tổng tài sản của tập đoàn sẽ tăng đáng kể. Trước đó vào năm 2018, khi chưa tăng vốn, Geleximco giới thiệu tổng tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn đã trên 52.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 14.500 tỷ đồng.
Số vốn tăng thêm được Geleximco sử dụng để rót thêm khoảng 2.000 tỷ đồng các công ty con, nâng quy mô các khoản đầu tư dài hạn của công ty mẹ lên trên 13.500 tỷ đồng. Ngoài ra các khoản phải thu cũng tăng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng trong năm 2019 lên mức 10.530 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Geleximco ghi nhận công ty mẹ vay nợ gần 5.500 tỷ đồng bên cạnh các khoản phải trả ngắn hạn quy mô lớn (5.380 tỷ đồng). Dư nợ chịu lãi lớn khiến công ty mẹ phải trả gần 1.600 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2018. Đến năm ngoái, chi phí lãi vay của Geleximco tại công ty mẹ giảm chỉ còn 411 tỷ đồng, giúp công ty ghi nhận lợi nhuận hơn 916 tỷ đồng, tăng gần 3 lần.
Trong hai năm gần đây, doanh thu của công ty mẹ Geleximco tăng mạnh (2018: 10.364 tỷ đồng, 2019: 9.268 tỷ đồng) nhờ đóng góp một phần của lĩnh vực bất động sản. Trước đó năm 2017, con số này chỉ là 3.368 tỷ đồng và công ty cũng ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn 90 tỷ đồng.
Xuất thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco ra đời năm 1993, đến nay đã trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực, gồm sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, bất động sản, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Geleximco ghi dấu với các dự án đầu tư lớn đã và đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao như nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long hay Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy An Hòa.
Trong lĩnh vực bất động sản nhiều dự án mang thương hiệu Geleximco đã được phát triển như Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn, Khu văn phòng tại Hoàng Cầu (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), Tòa nhà An Bình Plaza.
Ngoài ra, Tập đoàn Geleximco đang phát triển các dự án khu đô thị sinh thái tại Hòa Bình, Quảng Ninh hay Lao Cai. Mới đây tập đoàn đưa vào vận hành sân golf Geleximco Hilltop Valley Golf Club, được xem là một trong những sân có địa hình đẹp nhất Việt Nam.
Trong lĩnh vực tài chính, Geleximco sáng lập ngân hàng An Bình và các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán An Bình hay Công ty đầu tư tài chính An Bình. AB Bank hiện có tổng tài sản ngần 100 nghìn tỷ đồng và có các đổ đông lớn là IFC và Maybank (Malaysia).
Geleximco còn là một trong những cổ đông sáng lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP) với tổng vốn đầu tư trị giá 90 triệu USD, đồng thời đang là cổ đông lớn của CMC Corporation với tỷ lệ sở hữu 10%.
Gần đây Geleximco gây chú ý với dự án Trung tâm Logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ tại Bà Rịa Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 2 giai đoạn lên đến 2,2 tỷ USD. Đồng thời tập đoàn cũng bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với cả hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tại Quảng Ninh.