Việc Pacific Airlines trả lại toàn bộ máy bay cho đối tác đang nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng và nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu rằng, Pacific Airlines có công bố phá sản khi không còn máy bay?
Làm rõ về việc có hay không Pacific Airlines công bố phá sản, đại diện Pacific Airlines khẳng định: "Chúng tôi vẫn đang duy trì hoạt động. Việc trả lại máy bay nằm trong kế hoạch tái cơ cấu lại hãng bay".
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Pacific Airlines đang tiến hành tái cơ cấu lại hoạt động của hãng, trong đó, hãng bay này sẽ tái cơ cấu lại số nợ của các đối tác.
Động thái trả lại toàn bộ máy bay cho đối tác với mục tiêu sẽ xoá được các khoản nợ lâu năm. Từ đó, khi xoá được nợ, hãng bay sẽ cơ cấu lại nguồn vốn cũng như đội máy bay để quay trở lại hoạt động cạnh tranh bình thường với các hãng bay khác.
Hiện nay, Pacific Airlines đã báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam về tình hình hoạt động, trả tất cả máy bay đã thuê và được xóa nợ.
Theo đó, Pacific Airlines đã được đối tác cho thuê máy bay xoá khoản nợ lên tới 220 triệu USD (tương đương hơn 5.000 tỉ đồng). Để sớm tái cơ cấu lại hãng bay, Pacific Airlines đang tiến hành tìm nhà đầu tư mới. Tạm thời, Pacific Airlines đã xúc tiến thuê ba máy bay của Vietnam Airlines để duy trì hoạt động, giữ giấy phép khai thác.
Từng trả lời PV Dân Việt về việc Vietnam Airlines đangphải thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu Pacific Airlines đang âm vốn khá nặng, vậy khả năng vực dậy hãng bay này như thế nào?, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà khẳng định: "Trong kế hoạch của Vietnam Airlines đã có mục tái cơ cấu Pacific Airlines và đang tìm kiếm cổ đông có năng lực cả về tài chính và vận hành để tham gia cùng Vietnam Airlines tạo thêm nguồn lực cho Pacific Airlines.
"Hiện tại đã 3 nhà đầu tư quan tâm tới Pacific Airlines. Về chiến lược, chắc chắn Vietnam Airlines rất cần Pacific Airlines để khai thác đối tượng khách hàng có nhu cầu bay giá rẻ, để hoàn thiện hệ sinh thái của mình", ông Hà khẳng định.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hãng hàng không Pacific Airlines được tiến hành tái cơ cấu. Do nhiều năm chìm đắm trong thua lỗ, vào đầu năm 2012, Thủ tướng đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn nhà nước tại SCIC và thực hiện tái cơ cấu lần thứ hai.
Ngay sau đó, Vietnam Airlines đã cùng cổ đông Qantas (Úc) tái cơ cấu mạnh mẽ Pacific Airlines theo mục tiêu phát triển là hãng hàng không giá rẻ. Trong hai năm liên tiếp năm 2018 và 2019, Pacific Airlines đã ghi nhận có lãi và giảm lỗ xuống còn 4.400 tỷ đồng.
Đang trong giai đoạn bắt đầu có lãi, đến năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát lan rộng đã khiến cho cổ đông Qantas (Úc) gặp nhiều khó khăn và chấp nhận thoái hết vốn tại Pacific Airlines.
Ngày 15/6/2020, Qantas chính thức rút vốn khỏi Pacific Airlines, khi đó, Vietnam Airlines chính thức sở hữu 98% cổ phần của Pacific Airlines và thay đổi logo nhận diện mới.
Đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế của Pacific Airlines đã lên hơn 10.700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) tại ngày 31/12/2022, Pacific Airlines đang nợ ACV hơn 874 tỷ đồng.