Tiếp tục phiên chất vấn sáng nay 6/5, nhiều đại biểu Quốc hội hỏi về cơ hội Việt Nam tham gia, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chip trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam có lợi thế về tài nguyên, địa kinh tế - chính trị đối với ngành sản xuất chất bán dẫn, Chính phủ sẽ làm gì để phát triển ngành này trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip là xu hướng của thế giới, Việt Nam có cơ hội và tiềm năng như nguồn nguyên liệu và nhân lực.
"Kinh tế số phát triển rất nhanh, người việt Nam có những mặt mạnh, nổi trội, khéo léo, yêu toán học. Thời gian qua, chúng ta cũng quan tâm đào tạo khá toàn diện về lĩnh vực liên quan như vật liệu, vật lý đến lĩnh vực này".
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, có một số doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư các dự án bán dẫn lớn. Tuy nhiên, việc trước tiên của Việt Nam là đào tạo nguồn nhân lực lớn cho ngành này, trong đó có nhân lực về công nghệ thông tin.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, kinh tế số, nhiều địa phương, kinh tế số, công nghệ số đã có đóng góp đến 12-15% RGDP. Chúng ta bên cạnh đào tạo ngay nguồn nhân lực, thì có cơ hội để thu hút, đào tạo thêm đội ngũ nhân lực chất lượng cao đang làm việc cho các doanh nghiệp FDI để chuyển sang làm việc về cho ngành bán dẫn, tham gia vào thiết kế, đóng gói sản phẩm chip.
Bên cạnh đó, người Việt tham gia vào công nghệ ở nước ngoài khá nhiều, Chính phủ thời gian tới sẽ có chính sách thu hút họ về Việt Nam làm việc. Ngoài ra, cũng sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các trường Đại học như các trung tâm nghiên cứu, kiểm tử, phòng thí nghiệm hiện đại...
Phó Thủ tướng cho biết: "Hiện khâu thiết bị, công cụ thiết kế chip hầu hết các nước nắm quyền, không bàn giao cho ai. Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi sản xuất bán dẫn, trước mắt sẽ tham gia từng giai đoạn, từng chuỗi giá trị. Song song, cũng cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu chế tạo, kiểm thử chip để chủ động được công nghệ".
Cũng chất vấn vấn đề về cơ hội Việt Nam cạnh tranh trong ngành Chip bán dẫn, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc đã và đang đầu tư hàng tỷ đến chục tỷ USD vào phát triển bán dẫn, chip, Việt Nam đã và đang làm gì để biến tiềm năng, lợi thế thành cơ hội và động lực phát triển đất nước?
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, chúng ta đang chuẩn bị 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, thông qua chính sách đào tạo và đào tạo lại các nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ thông tin.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam có tiềm năng lợi thế là được các nước làm chủ các thiết kế, làm chủ công nghệ chuyển cho một phần công nghệ. Còn thực tế nắm bắt, sản xuất, chế tạo công nghệ đó thì cần nhiều yếu tố, trong đó có nghiên cứu chế tạo, triển khai lâu dài.
Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo sẽ đầu tư một số trung tâm để phục vụ cho công tác nghiên cứu cho các Trường Đại học dùng chung, một số trung tâm đổi mới sáng tạo để có thể tiến hành nghiên cứu, chế tạo các khâu nghiên cứu cơ bản.
Phó Thủ tướng khẳng định: Đầu tư khu thử sản phẩm rất quan trọng, có thể thử 100 lần mới có 1 lần thành công ra sản phẩm chip đạt yêu cầu và có thể tiêu tốn đến 7 tỷ USD cho sản xuất này.
Ông Hà cho rằng, đầu tư nghiên cứu, kiểm thử và sản xuất sản phẩm đầu tiên là phải có Nhà nước tham gia vào, nhưng cũng cần vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp, đặt ra nhu cầu thị trường, có cung mới có cầu,
Phó Thủ tướng cho rằng, bài toán sản xuất được chip không đơn giản là sản xuất được con chip đó là thành công mà nếu sản xuất giá chip đắt quá, sẽ không cạnh tranh được với các thị trường lớn".