Ngày 2/3, Tập đoàn VG Corp (Vietnam Golf Corporation) công bố thông tin về việc trở thành chủ đầu tư mới của hệ thống golf công nghệ Hidden Castle Golf Club.
Theo giới thiệu, VG Corp là tập đoàn sở hữu hệ sinh thái golf lớn nhất Việt Nam hiện nay bao gồm ứng dụng tính điểm chấp vHandicap với số lượng người dùng lên đến gần 100.000 golfers; GolfNews – kênh truyền thông đa phương tiện chuyên biệt về golf; VG Events – đơn vị tổ chức các giải đấu thuộc hệ thống giải Asian Development Tour tại Việt Nam, hệ thống giải chuyên nghiệ VGA Tour, hệ thống giải nghiệp dư Vietnam Amateur Series; cùng nhiều đơn vị thành viên khác hoạt động trong lĩnh vực golf.
VG Corp là tên viết tắt của CTCP Việt Nam Golf. Doanh nghiệp này thành lập ngày 22/12/2016, có trụ sở chính tại số 20 đường Võ Chí Công, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. VG Corp đã nhiều lần đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp cũng như người đại diện pháp luật.
Cổ đông sáng lập bao gồm: ông Hồ Minh Đức góp 30%, ông Nguyễn Hồng Đức góp 30% và ông Nguyễn Xuân Tài góp 40%. Người đại diện pháp luật VG Corp là ông Nguyễn Hồng Đức (cập nhật trước tháng 8/2017, vốn điều lệ ở mức 9,9 tỷ đồng).
Tuy nhiên đến tháng 8/2017, cả 3 cổ đông sáng lập doanh nghiệp đồng loạt giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại doanh nghiệp về còn: ông Hồ Đức Minh 21%; ông Nguyễn Xuân Tài 28%; ông Nguyễn Hồng Đức 21%.
Tuy nhiên, không thấy thông tin cập nhật mới về cổ đông của doanh nghiệp kể từ đó tới nay tại cổng đăng ký kinh doanh doanh nghiệp. Sau nhiều lần thay đổi, tại thời điểm tháng 1/2022, vốn điều lệ của VG Corp đạt hơn 50,1 tỷ đồng.
Vào tháng 10/2022, Golf Việt Nam thay đổi đại diện từ ông Nguyễn Hồng Đức chuyển sang ông Tôn Đức Sáu (SN 1973). Và đến tháng 5/2023, ông Bùi Đức Long cán bộ chủ chốt của Việt Nam Golf vừa kiêm Tổng Giám đốc vừa là đại diện pháp luật thay ông Nguyễn Hồng Đức. Bốn tháng sau đó, ông Tôn Đức Sáu lại quay lại vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện của doanh nghiệp này.
Đến cuối tháng 12/2023, ông Võ Duy Nghĩa (SN 1980) - Chủ tịch HĐQT của Việt Nam Golf trở thành người đại diện pháp luật của Công ty.
Cập nhật mới nhất của doanh nghiệp vào tháng 1/2024, Công ty đổi tên thành CTCP Việt Nam Golf. Đại diện vẫn là ông Võ Duy Nghĩa.
Các doanh nghiệp thành viên trong hệ sinh thái của VG Corp cho thể kể đến như VGS Holding, VGS Media, VGS Event, VGS Booking, VGS Sport, VGS Southern, VGS Travel, VGS Shop, VGS Central.
Theo dữ liệu Dân Việt có được, doanh thu thuần của Golf Việt Nam năm 2021 đạt 16,5 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2020. Giá vốn bán hàng thấp giúp doanh nghiệp báo lãi gộp 13,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm này bất ngờ "phình" to 96% so với năm liền trước, đạt trên 16,1 tỷ đồng.
Kết quả, Golf Việt Nam báo lỗ trước thuế gần 3 tỷ đồng trong năm 2021, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp lãi hơn 3,5 tỷ đồng. Kéo theo đó, khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2021 của doanh nghiệp cũng "đội" lên gấp 2,5 lần, đạt 4,8 tỷ đồng (cùng kỳ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế gần 1,9 tỷ đồng).
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản Golf Việt Nam (riêng lẻ) đạt 98,2 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm. Trong đó, riêng khoản tiền mặt tăng 8,6 lần lên 13,8 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng phát sinh thêm 40 tỷ đồng – ghi nhận tại khoản mục phải thu ngắn hạn khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thuyết minh về khoản mục này. Tại nhiều doanh nghiệp, khoản mục này thường là khoản thu từ cho vay, trong đó "con nợ" lại chính các lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông.
Tại ngày 31/12/2021, VG Corp đầu tư 19,6 tỷ đồng vào công ty liên danh, liên kết và 1 tỷ đồng vào công ty con, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ.
Chỉ tiêu nợ phải trả của VG Corp cũng tăng gấp đôi sau 12 tháng, đạt 10,4 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính xấp xỉ 6 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với đầu năm. Nợ vay tài chính đến cuối năm 2021 chiếm 60% tổng nợ phải trả VG Corp.
Một thông tin khá thú vị, từ khoảng 2020 – T4/2022, tài sản thế chấp cho các khoản giao dịch tín dụng tại Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội của Golf Việt Nam là 3 xe ô tô nhãn hiệu KIA.