Trên số báo trước (22-10), chúng tôi có nêu trường hợp của chị HTT (quận 1, TP.HCM) bị lừa tráo sổ đỏ một căn nhà ở phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 trong quá trình chị giao dịch với hai bên đến hỏi mua.
Với sổ đỏ thật và tờ lệ phí trước bạ của chị, kẻ gian đã giả mạo chị và dùng CMND giả tên chị đến một phòng công chứng ở Tp.HCM chứng nhận hợp đồng ủy quyền cho người khác được quyền định đoạt nhà của chị.
Tiếp nữa, người được ủy quyền đã đến một văn phòng công chứng (VPCC) cũng tại Tp.HCM ký hợp đồng mua bán nhà với giá 16 tỉ đồng. Đáng lưu ý là trong hồ sơ bán nhà có hộ khẩu, giấy xác nhận độc thân là bản sao y có chứng thực của một UBND phường trong khi chị vẫn đang giữ bản chính.
Nhà đã bán đến hai lần
Nhà mà chị H. rao bán đang bỏ trống không ai sử dụng và chị H. là người giữ chìa khóa nhà. Chỉ khi nào có người liên hệ hỏi mua nhà thì chị H. mới đến mở cửa để khách xem nhà.
Thông thường, người muốn mua nhà sẽ vào xem xét căn nhà khá kỹ. Các nội dung được họ quan tâm là thời điểm xây dựng nhà, thiết kế bên trong từ trên xuống dưới, nhà bếp, nhà vệ sinh… Thậm chí có người xem buổi sáng xong, buổi tối họ còn quay lại để tìm hiểu về cuộc sống, môi trường xung quanh rồi mới quyết định có mua nhà hay không…
Thế nhưng trong vụ việc của chị H., dù căn nhà lần lượt được đem bán cho hai người nhưng không một ai đến nhận nhà như những trường hợp bình thường khác.
Hồ sơ giao dịch nhà ghi nhận như sau: Ngày 1-8, người được ủy quyền đến VPCC ký hợp đồng bán nhà cho một người. Ngày 23-8, hai bên mua bán quay lại VPCC hủy hợp đồng công chứng nói trên. Cũng trong ngày 23-8, người được ủy quyền ký bán nhà cho người khác cũng tại VPCC. Ngày 30-8, người mua sau đã đến một phòng công chứng ký hợp đồng thế chấp nhà cho ngân hàng vay tiền.
Cũng theo chị H., tuy ngân hàng cho bên mua vay tới 11 tỉ đồng nhưng không có cán bộ ngân hàng nào liên hệ với chị mở cửa xem nhà để thực hiện việc kiểm tra, thẩm định trước khi cho vay tiền.
Từ các lý do đó mà suốt hơn hai tháng kể từ khi chị rao bán nhà (tháng 7-2019 đến nay), chị H. không thể biết được là nhà mình đã bị tráo sổ và đem bán, thế chấp vay tiền ngân hàng.
Bị can Nguyễn Thị Anh Thư bị truy nã về tội làm giả con dấu , tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Công chứng viên không làm sai
Tại VPCC trên, khi hai bên mua bán đến văn phòng này để công chứng hợp đồng mua bán (thông qua ủy quyền), CCV đã kiểm tra giấy tờ nhà thì là giấy thật, nhân thân của hai bên mua bán đều là thật nên không phát hiện bất thường gì từ hai phía. Thấy căn nhà có giá trị lớn, CCV đã cẩn thận “phỏng vấn” bên mua trước khi ký về chuyện nhà cửa, tiền bạc thì người này cho biết là gia đình cho tiền mua nhà… Sau đó CCV đã ký công chứng hợp đồng mua bán nhà cho người này…
Công an quận 1 đã vào cuộc rất nhanh
Liên quan đến sự việc trên, sau khi có đơn tố giác của chị H., Cơ quan CSĐT Công an quận 1 đã vào cuộc ngay. Cơ quan này đang thu thập chứng cứ, xác minh điều tra sự việc. Đồng thời, cơ quan này đã nhanh chóng đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn việc giao dịch, chuyển nhượng thế chấp đối với căn nhà nêu trên. Mục đích là để CSĐT xác minh, điều tra vụ làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được biết ở một vụ bị tráo sổ đỏ, đóng giả chủ nhà làm giấy ủy quyền cho người khác bán nhà liên quan đến căn nhà số 149 Đặng Văn Ngữ, phường 14, quận Phú Nhuận, Công an quận 5 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thị Anh Thư về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan , tổ chức . Do bị can Thư đã bỏ trốn nên Công an quận 5 đã có quyết định truy nã.
Ngày 30-8, Công an TP.HCM cũng ra văn bản đề nghị tạm ngưng các giao dịch đối với nhà này. Tương tự nhiều vụ tráo sổ đỏ, trong vụ án này, chủ nhà thật cũng không biết gì về việc nhà mình bị đối tượng khác giả ủy quyền đem đi bán. Hiện chủ nhà đã khởi kiện ra tòa án để hủy hợp đồng mua bán nói trên.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Long Khánh (Đồng Nai) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Thúy An (29 tuổi, ngụ TP.HCM) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trước đó, bị can An đến một VPCC ở TP Long Khánh mang theo sổ đỏ để làm hợp đồng vay người khác số tiền 1,2 tỉ đồng. Nhân viên của VPCC nghi sổ đỏ là giả nên đã báo cơ quan công an và bị can An thừa nhận là giấy giả...
Hồ sơ vay tiền do cả hội đồng phê duyệt
Theo quy định hiện hành, quy trình cấp tín dụng đối với hồ sơ vay vốn của các ngân hàng thương mại đã được cải cách thủ tục hành chính rất nhiều. Các thủ tục tuy đơn giản hơn so với trước đây nhưng tiêu chí phải đảm bảo tính pháp lý và chặt chẽ của hồ sơ vay vốn luôn được các ngân hàng đặt lên hàng đầu.
Hơn nữa, công tác thẩm định và quyết định cho vay không phải do một, hai cá nhân có thẩm quyền quyết định mà phải do cả hội đồng tín dụng của đơn vị phê duyệt. Chính vì vậy, khả năng một, hai cá nhân câu kết với bên ngoài để thực hiện các việc sai quy định là có thể có nhưng không phổ biến. Đồng thời, ngân hàng thương mại nào để xảy ra trường hợp rủi ro như vậy chắc chắn sẽ mạnh tay xử lý các cá nhân vi phạm.
Qua công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt bám sát diễn biến nợ xấu của từng đơn vị, từng chi nhánh để cảnh báo, khuyến nghị và xử lý theo quy định. Cạnh đó, qua công tác tiếp công dân, nếu phát hiện trường hợp có vi phạm trong việc cho vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành thanh tra và xử lý ngay.
Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước
Chi nhánh TP.HCM
THÙY LINH ghi