Bloomberg dẫn lời một số nguồn tin cho hay, tập đoàn Boeing đang trong quá trình thương lượng với các đối tác Trung Quốc về một trong những hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Các cuộc thảo luận tập trung vào khoảng 100 máy bay thân rộng (hai lối đi) là 787 Dreamliner và 777X – mẫu máy bay đường dài lớn nhất của Boeing. Theo một nguồn tin giấu tên, các nhà đàm phán đặc biệt chú ý tới loại máy bay 777-9, với giá thành lên tới 442,2 triệu USD/chiếc.
Hiện hai bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận cụ thể trong khi cuộc chiến thương mại vẫn là một trong những thách thức lớn nhất. Phía Trung Quốc đang đợi thêm chỉ thị từ chính quyền trung ương trước khi tiếp tục đàm phán.
Hình ảnh do nghệ sỹ thực hiện về mẫu máy bay Boeing 777X (ảnh: Boeing)
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn leo thang
Cuộc xung đột liên quan tới thương mại và công nghệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đã tiến vào một giai đoạn mới với những cáo buộc từ Mỹ rằng Trung Quốc bất ngờ "lật kèo" cam kết, dẫn tới vòng áp thuế mới và chấm dứt những tháng ngày có phần hòa hợp trên bàn đàm phán trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cấm tập đoàn công nghệ Huawei mua các sản phẩm công nghệ Mỹ; đồng thời mở rộng lệnh cấm dành cho 5 công ty sản xuất thiết bị giám sát video của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố trả đũa bằng việc công bố cảnh báo du lịch đối với Mỹ và đe dọa lập danh sách đen các công ty nước ngoài.
Trung Quốc cũng tiến hành điều tra công ty Mỹ FedEx vì cáo buộc thực hiện vận chuyển "sai" trong khi công ty liên doanh Ford Motor tại Trung Quốc bị phạt vì vi phạm luật chống độc quyền.
Bloomberg nhận định, bất chấp tình huống hiện tại, quá trình thương thảo giữa Boeing và các đối tác Trung Quốc cho thấy những lợi ích trùng lặp giữa hai nước trong ngành hàng không. Boeing – chịu áp lực từ lệnh cấm hoạt động toàn cầu dành cho máy bay 737 Max, hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Nếu thành công, siêu hợp đồng được kỳ vọng sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đơn hàng này có giá trị tới hơn 30 tỷ trước khi giảm giá.
Giá cổ phiếu của Boeing tăng chưa đầy 1% đạt mức 347,40 USD vào lúc 11:15 sáng (giờ New York), ngày 5/6 sau khi leo dốc tới 2,5% nhờ thông tin về hợp đồng với Trung Quốc. Kể từ vụ rơi máy bay của Ethiopian Airlines hồi tháng Ba dẫn tới cuộc khủng hoảng 737 Max, cổ phiếu Boeing đã sụt giảm 18%.
Trung Quốc: Siêu cường hàng không đang lên
Trung Quốc đang chứng tỏ vị thế của một siêu cường đang lên trong lĩnh vực hàng không và được dự đoán sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất toàn cầu vào những năm 2020. Bắc Kinh thậm chí nuôi kỳ vọng cùng với Boeing và Airbus trở thành một nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới.
Tuy vậy, theo kế hoạch, mẫu máy bay thân rộng sản xuất nội địa đầu tiên của Trung Quốc sẽ chỉ ra mắt trong vòng ít nhất 8 năm nữa. Điều này dẫn tới việc các hãng hàng không Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào hai ông lớn từ Mỹ và châu Âu khi muốn mua những máy bay lớn dành riêng cho tuyến đường bay vượt đại dương.
"Trung Quốc sẽ không tự làm đau mình. Tôi không nghĩ họ sẽ hủy bỏ mua hợp đồng với Boeing", David Pritchard, phó giáo sư hàng không tại Đại học bang New York nhận định. Thay vào đó, dần dần Trung Quốc sẽ thay đổi chiến lược trước đây là phân chia đơn đặt hàng một cách cẩn trọng giữa Boeing và Airbus. "Điều đó có thực sự dẫn tới lợi thế cho Airbus? Chắc là có", ông Pritchard chỉ ra.
Các nguồn tin tiết lộ với Bloomberg, các máy bay mới sẽ giúp thay thế loạt máy bay thuộc thế hệ 777 trước đó. Trong khi phần lớn thỏa thuận sẽ bao gồm các máy bay 777-9, các hãng hàng không Trung Quốc cũng quan tâm tới mẫu nhỏ hơn là 777-8.
Mức tiêu thụ các máy bay dòng 777X của Boeing từng được dự đoán sẽ rất khả quan tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm – dự kiến vào năm 2020, ra mắt mẫu máy bay hai động cơ đầu tiên của Boeing, có thể chuyên chở tới 400 hành khách, đang trở nên không chắc chắn sau hai vụ tai nạn liên tiếp của 737 Max chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm.
Boeing "vật lộn" giữa những ảnh hưởng từ lệnh cấm bay 737 Max
Với dòng Max đang bị cấm, Boeing đẩy mạnh tìm kiếm những hợp đồng mua máy bay thân rộng nhằm gia tăng nguồn tiền mặt. Bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tập đoàn vẫn không ngừng nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại với khách hàng Trung Quốc.
Theo quy định của Trung Quốc, các hợp đồng phải được chính quyền thông qua trước khi được trao cho Công ty cung cấp hàng không Trung Quốc – đơn vị đảm nhận việc mua máy bay.
Phát biểu hôm 29/5, CEO Boeing Dennis Muilenburg cho biết, Boeing tham gia rất sâu vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Hồi tháng Ba, một nguồn tin tiết lộ, Trung Quốc ban đầu đã định đưa 737 Max vào danh sách các sản phẩm mà nước này sẽ mua từ Mỹ nhằm giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, sau đó họ đã thay đổi quyết định vì những vấn đề an toàn bay.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm bay đối với 737 Max – một trong những mẫu máy bay bán chạy nhất của Boeing.