Trung Quốc gần đây thêm một động thái trong chiến lược "Thịnh vượng chung", nhắm đến những người nổi tiếng. Đằng sau đó là gì?
Làn sóng "phong sát" người nổi tiếng tại Trung Quốc đã lan rộng sang một số cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, trong đó phải kể tới "nữ hoàng livestream" Huang Wei, thường được biết tới với tên gọi Viya.
Chuyên gia bán hàng trực tuyến này, hiện sinh sống tại thành phố Hàng Châu, gần đây đã phải đối mặt với khoản tiền phạt lớn chưa từng có tiền lệ trong ngành giải trí tại Trung Quốc. Cô bắt buộc phải nộp khoản tiền phạt lên tới 210 triệu USD vì hành vi trốn thuế của mình.
Sau trường hợp của Trịnh Sảng - người cũng bị phạt khoản tiền lên tới 46 triệu USD với cùng tội danh trốn thuế và Triệu Vy - minh tinh màn bạc bỗng dưng biến mất khỏi các nền tảng truyền thông tại Trung Quốc chỉ sau một đêm, Viya là trường hợp mới nhất trở thành "mục tiêu" nhắm tới bởi các cơ quan chức năng, trong quá trình hiện thực hóa tham vọng "Thịnh vượng chung" của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Cho dù đã lên tiếng bày tỏ sự hối hận về những hành vi của mình trên tài khoản Weibo cá nhân, cô chắc chắn sẽ phải đối diện với một tương lai không mấy sáng sủa, thậm chí là mất đi sự nghiệp lừng lẫy của mình sau khi chính thức bị nền tảng Taobao "cấm sóng".
Từ chuyện thiên tài bán hàng qua mạng bị siết thuế...
Thường được ca ngợi với khả năng bán mọi thứ trên nền tảng livestream Taobao, Viya, năm nay 36 tuổi, đã nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt được quan tâm hàng đầu tại quốc gia đông dân nhất thế giới, với hơn 18 triệu người theo dõi trên Weibo và 80 triệu người theo dõi trên Taobao.
Cô thực sự là một thiên tài bán hàng. Viya xuất thân trong một gia đình có truyền thống kinh doanh tại tỉnh An Huy và khi mới chỉ 18 tuổi, cô đã tự mở cửa hàng thời trang đầu tiên của mình tại thủ đô Bắc Kinh. Sau đó, cô mở thêm một chuỗi các cửa hàng khác tại thành phố Tây An trước khi toàn tâm toàn ý theo đuổi sự nghiệp bán hàng trên nền tảng internet từ năm 2012. Hiện tại, khối tài sản cá nhân của cô vẫn là một ẩn số, nhưng nhiều báo cáo cho thấy khối tài sản ròng mà cô sở hữu có thể lên tới 1,25 tỷ USD.
Viya thực sự là một thiên tài. Trong năm 2020, tổng giá trị các mặt hàng được bán thông qua kênh bán hàng livestream của cô ước tính đã vượt ngưỡng 31 tỷ USD, một con số khiến không ít người phải ngả mũ thán phục.
Trong đêm đầu tiên của chuỗi sự kiện khuyến mại Ngày Độc Thân tháng 10/2020, Viya và đội ngũ của mình đã bán khối lượng hàng hóa trị giá hơn 1 tỷ USD trong phiên livestream kéo dài tới 14 tiếng của mình. Doanh số bán hàng trong phiên hôm đó thậm chí còn vượt qua doanh thu cả năm của Wangfujing Group, một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Trung Quốc, trong cùng năm đó.
Lực lượng khán giả đông đảo của cô (ước tính lên tới hơn 37 triệu người trong năm 2020) luôn hào hứng dốc hầu bao cho hầu hết các sản phẩm mà cô chào bán, từ quần áo, mỹ phẩm cho tới đồ ăn và thậm chí là bất động sản. Ấn tượng nhất, cô còn chào bán dịch vụ phóng tàu vũ trụ với giá 5,6 triệu USD hồi năm ngoái. Người hâm mộ đã mệnh danh cô với tên Dora-Viya, khi liên tưởng tới nhân vật truyện tranh nổi tiếng Doraemon với khả năng lấy mọi thứ ra từ chiếc túi thần kỳ.
Sự kiện gây quỹ của cô trong năm 2020 đã kêu gọi được 32 triệu USD nhằm giúp đỡ cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch trên địa bàn thành phố. Cũng trong năm đó, cô còn tham gia vào chiến dịch hạn chế lãng phí thực phẩm Clean Plate thông qua việc quảng bá các đặc tính nổi của các giống lúa lai năng suất cao với nhà khoa học nổi tiếng Viên Long Bình. Cô cũng đảm nhiệm vai trò đại sự cho nhiều sản phẩm được sản xuất tại các khu vực kém phát triển của Trung Quốc.
Sức ảnh hưởng của cô đã lọt vào mắt xanh của nhiều doanh nghiệp và doanh nhân nổi tiếng thế giới một khi họ muốn "tấn công" vào thị trường đông dân nhất thế giới. Tesla, Procter & Gamble và siêu mẫu Miranda Kerr đã không ít lần hợp tác với Viya nhằm đưa họ tới gần hơn với khán giả của cô.
Khi Viya được xướng tên trong danh sách "Những người có tầm ảnh hưởng nhất năm 2021", chính Kerr là người đã chấp bút trong hồ sơ của cô. Ngay cả Kim Kardashian, một nhân vật có lượng người theo dõi lớn trên các nền tảng mạng xã hội, cũng đã tìm tới sự hỗ trợ của Viya trong quá trình phân phối sản phẩm nước hoa của mình tại thị trường Trung Quốc. Chỉ trong vòng vài phút, tất cả sản phẩm nước hoa đó đã được bán hết, theo Jing Daily.
Chi cục thuế Hàng Châu, thủ phủ thương mại điện tử của Trung Quốc, đã công bố khoản tiền phạt 210 triệu USD đối với Viya vì hành vi trốn thuế. Đây là mức tiền phạt kỷ lục gây không ít bất ngờ trong ngành công nghiệp livestream tại nền kinh tế số 2 thế giới.
Viya đã trốn tránh nghĩa vụ nộp hơn 100 triệu USD tiền thuế trong giai đoạn 2019-2020 thông qua một loạt các hành vi tinh vi, trong đó bao gồm che dấu chi phí hoa hồng, khai báo thu nhập cá nhân dưới hình thức thu nhập doanh nghiệp và không nộp báo cáo thu nhập tính thuế, theo thông báo phát đi bởi chi cục thuế tỉnh Chiết Giang.
Cơ quan quản lý thuế cho biết Viya đã thành khẩn hợp tác và cô sẽ không phải chịu trách nhiệm truy tố nếu như cô nộp đủ số tiền phạt khổng lồ này. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của sự việc lần này lên tương lai của cô vẫn chưa thể xác định. Tài khoản livestream của cô trên Taobao và mạng xã hội Weibo đã không thể truy cập được ngay sau đó.
Viya và chồng Dong Haifeng đã công khai đăng tải một lá thư xin lỗi trên mạng xã hội Weibo sau khi vụ việc này được đưa ra ánh sáng. "Tôi hoàn toàn chấp nhận hình phạt đưa ra bởi cơ quan thuế và sẽ chủ động thu xếp khoản tiền nộp phạt đúng hạn", cô chia sẻ.
People's Daily, tờ báo chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải một bài viết không lâu sau khi thông báo của Cục thuế Hàng Châu được phát đi. Bài viết này nhấn mạnh khoản tiền phạt đối với Viya chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tính hiệu quả và công bằng của Bộ luật thuế mà Trung Quốc đang áp dụng.
Khoản tiền phạt đối với Viya tương đương với khoảng 40% khoản tiền mà "ông lớn giao hàng" Meituan phải nộp hồi tháng 10 vừa qua do vi phạm luật cạnh tranh.
Song Viya không phải trường hợp duy nhất bị phạt do những hành vi gian dối của mình. Diễn viên hàng đầu của Trung Quốc Phạm Băng Băng đã bị phạt khoản tiền lên tới hơn 100 triệu USD cũng cùng do hành vi trốn thuế hồi năm 2018.
Một cái tên sáng giá khác là Trịnh Sảng. Cô đã phải đối diện với khoản tiền phạt gần 50 triệu USD với cùng tội danh sau khi bạn trai cũ Trương Hàn tố cáo cô đã nhận khoản thù lao lớn từ một chương trình truyền hình thông qua nhiều hợp đồng gian lận. Trương Hàn sau đó cũng bị tuyên phạt 5 triệu USD do đã trợ giúp bạn gái thực hiện hành vi trốn thuế.
Chưa dừng lại tại đó, Zhu Chenhui, được biết đến trên mạng với tên gọi Xueli Cherie, và Lin Shanshan, đều là những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng internet, cũng đã bị truy thu thuế trong khoảng thời gian gần đây. Tài khoản mạng xã hội, cửa hàng trực tuyến trên Taobao và website công ty chính thức của hai người này đều không thể truy cập trong nhiều ngày. Cùng với Viya, cả 3 nhân vật này đều phải nhận hình phạt thích đáng từ cơ quan thuế Hàng Châu, nơi ông lớn ngành thương mại điện tử Alibaba đặt trụ sở chính.
"Trong suốt quá trình phát triển nhanh chóng của nền kinh tế nền tảng, các hành vi vi phạm luật thuế của một số ngôi sao live-stream đã làm đảo lộn trật tự pháp luật, cơ chế quản lý và ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh công bằng", cơ quan thuế Hàng Châu chia chia sẻ trong thông báo của mình. Cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc cũng sẽ áp dụng nhiều chính sách thuế bổ sung nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế nền tảng".
... đến một bước trên con đường thực hiện "Thịnh vượng chung"
Cụm từ "Thịnh vượng chung" đã được rất nhiều người nhắc tới trong năm 2021 khi Trung Quốc quyết tâm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân của mình.
Sau khi thành công giúp hàng triệu người dân thoát nghèo và xây dựng một xã hội tương đối phát triển về nhiều mặt, Trung Quốc giờ đây đặt ra tham vọng "Thịnh vượng chung", với mong muốn toàn bộ người dân cùng được hưởng những thành quả kinh tế, văn hóa, giáo dục... thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn và sự bất bình đẳng thu nhập.
"Mức độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đã chạm tới ngưỡng mà toàn bộ người dân có thể được hưởng những tiêu chuẩn sống phù hợp", John Ross, giáo sư tới từ Viện Nghiên cứu tài chính Chongyang, đại học Nhân Dân Trung Quốc, chia sẻ với tờ China Daily.
Kế hoạch hiện thực hóa tham vọng "Thịnh vượng chung" đã được nêu ra là một trong những mục tiêu dài hạn của Trung Quốc tầm nhìn tới năm 2035- thời điểm quốc gia này kỳ vọng đạt được mức độ hiện đại hóa cơ bản.
Tầm nhìn của Trung Quốc đối với "Thịnh vượng chung" được hình thành trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng đang ngày một gia tăng trên quy mô toàn cầu, gây ra không ít vết đứt gãy xã hội tại một số nền kinh tế.
"Khoảng cách giàu nghèo lớn tại một số quốc gia phát triển chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới bất ổn xã hội. Đây chính là điều Trung Quốc muốn tránh đi vào vết xe đổ của họ", Quan Heng, một chuyên gia kinh tế tới từ Viện khoa học xã hội Thượng Hải, chia sẻ với China Daily.
Tuy nhiên, "Thịnh vượng chung" không đồng nghĩa với việc xây dựng chủ nghĩa quân bình hoặc một nhà nước phúc lợi. Nó cũng không đồng nghĩa với việc "lấy của người giàu chia cho người nghèo" như một số quan sát viên phương Tây vẫn hiểu.
Chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng sự phụ thuộc vào phục lợi nhà nước sẽ khiến người dân trở nên lười biếng và mất động lực làm việc, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sáng tạo và năng suất lao động. Việc chi tiêu quá nhiều phục vụ phúc lợi sẽ gia tăng gánh nặng thuế lên các cá nhân và doanh nghiệp.
"Chúng ta nên tránh rơi vào bẫy của chủ nghĩa phúc lợi, và chúng ta sẽ không khuyến khích những người ăn không ngồi rồi hoặc chu cấp cho những người lười biếng", Han Wenxiu, chuyên gia tới từ Ủy Ban Trung ương các vấn đề Tài chính và Kinh phát biểu, theo ghi nhận của China Daily.
Để đạt được mục tiêu "Thịnh vượng chung", Trung Quốc đầu tiên phải nỗ lực mở rộng và cải thiện nền kinh tế cùng với sự chung sức của người dân, sau đó phân phối thành quả đó một cách hợp lý thông qua sự sắp xếp hợp tình, hợp lý của các cơ quan chức năng.
Trong vòng một vài năm trở lại đây, chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi mục tiêu "Thịnh vượng chung" với nhiều chính sách cải cách nổi bật.
Con đường quan trọng dẫn tới "Thịnh vượng chung" bao gồm sự điều chỉnh đối với những cá nhân có thu nhập cao thông qua các kênh như thuế, sự gia tăng hỗ trợ đối với bộ phận người dân có thu nhập thấp và quá trình mở rộng tầng lớp trung lưu.
Trong cuộc họp công bố mục tiêu "Thịnh vượng chung" mùa hè năm nay, các lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu gia tăng thu nhập đối với bộ phận dân cư thu nhập thấp, từng bước quản lý các cá nhân có thu nhập cao, loại bỏ các hành vi thu nhập trái phép khi họ cho rằng có không ít các tài sản mà thuộc sở hữu của nhiều nhân vật giàu hình thành thông qua các hành vi phạm pháp.
Các bước tiến tới "Thịnh vượng chung" sẽ bao gồm việc thu nhỏ khối tài sản của những cá nhân giàu có nhất Trung Quốc cho dù điều đó đồng nghĩa với việc "trừng phạt" doanh nghiệp mà họ sáng lập hoặc buộc họ phải từ chức. Quan điểm đó có thể được thấy rõ ràng nhất từ vụ việc của tỷ phú Jack Ma- người đã sáng lập nên tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. Cùng với việc điều tra các khoản thu nhập phi pháp, Trung Quốc cũng sẽ thực hiện một chiến dịch bài bản chống lại những người nổi tiếng có hành vi trốn thuế.
Những động thái mạnh
Nền kinh tế số 2 thế giới cũng gia tăng những nỗ lực gỡ bỏ đi thế độc quyền của nhiều doanh nghiệp, ngăn chặn hành vi tăng vốn một cách tùy tiện, kìm cương thị trường bất động sản và gia tăng giám sát đối với lĩnh vực giải trí và giáo dục. Những nước đi trên nhằm tạo ra một môi trường phát triển bền vững cho toàn bộ các lĩnh vực đời sống.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đã cho áp dụng một số biện pháp căn cơ nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập, giàu nghèo thông qua các chính sách cải thiện và gia tăng đầu tư vào các doanh nghiệp tại nhiều khu vực còn khó khăn.
Hưởng ứng lời kêu gọi từ chính phủ, nhiều doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc đã thực hiện sáng kiến chia sẻ lợi nhuận thông qua các khoản quyên góp và hỗ trợ xã hội, hướng tới một xã hội công bằng hơn.
Ngay sau vụ việc của Viya, chính quyền nhiều địa phương đã lên tiếng cảnh báo những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội rằng họ phải khai trung thực báo các hành vi trốn thuế và khắc phục hậu quả trước ngày đầu tiên của năm mới 2022.
Hồi tháng 9, Tổng cục thuế Trung Quốc đã phát đi một thông báo yêu cầu những nhân vật nổi tiếng phải chi trả các khoản thuế họ đang nợ thông qua các bản tự kê khai trước khi năm 2021 khép lại. Các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng đã lập nên một "danh sách đen" bao gồm 88 nghệ sĩ cần được theo dõi đặc biệt.
Những người tự nguyện khai báo và nhanh chóng khắc phục các vấn đề liên quan tới thuế thu nhập trước thời điểm này sẽ được miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt. "Nếu bất cứ ai không trung thực khai báo và chủ động khắc phục hậu quả, cơ quan thuế sẽ thực hiện đúng theo quy định của pháp luật", theo thông báo từ phía các cơ quan thuế.
Trung Quốc đã có những động thái hết sức mạnh tay và nghiêm khắc nhằm đạt được mục tiêu "Thịnh vượng chung" cho toàn bộ người dân. Với việc chủ tịch Tập Cận Bình rất có thể sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình với tư cách là Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, dự báo sẽ có không ít những vụ việc gây chấn động trong thời gian tới.
(Theo Dân Trí)