Mới đây, trên trang cá nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD) là ông Bolat Duisenov đã biên “tút” rằng đang vô cùng hào hứng về một dự án đặc biệt mà CTD sẽ được triển khai trong thời gian sắp tới: "Đây là dự án chưa từng có tiền lệ trong ngành xây dựng, và điều tự hào là chúng tôi không làm một mình", ông Bolat “khoe”.
Ông này còn nói thêm: "Có thể ai đó sẽ nó rằng đó chỉ lại là mơ mộng, không thực tế khi nhìn vào sự bất ổn của thị trường hiện tại. Nhưng tôi luôn tin rằng, trong thời điểm càng hỗn loạn, giấc mơ của chúng ta càng phải lớn hơn. Bởi vì nếu không phải bây giờ, vậy thì là lúc nào?"
Những câu chữ của Chủ tịch HĐQT Coteccons dù không nói cụ thể về điều gì, nhưng vô tình được viết ra trùng thời điểm thị trường chứng khoán đang truyền đi thông tin không chính thống về một dự án đầu tư công quy mô rất lớn, có sự phối hợp của một loạt nhà thầu xây dựng.
Bất chấp thị trường chung điều chỉnh, CTD bật trần liên tiếp 3 phiên. Chốt ngày 12/12, CTD có giá 39.250 đồng/cp, dư mua lượng lớn.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi được biết, dự án mà ông Bolat khoe nói trên là một chương trình hoạt động xã hội.
Cụ thể, công ty này vừa ký kết hợp tác khởi động dự án “Xây Tết 2023”, tặng 12.000 phần quà Tết cho những người công nhân xây dựng, mỗi phần quà có giá trị 300.000 đồng. Chương trình sẽ triển khai đồng bộ trên 60 công trường đang hoạt động từ ngày 4-16/1/2023.
Tại sự kiện ký kết, Chủ tịch HĐQT Bolat tiếp tục tự hào rằng dự án Xây Tết 2023 là dự án chưa từng có tiền lệ trước đó. Trong đó, Coteccons không làm một mình mà kỳ vọng thu hút các doanh nghiệp khác cùng tham gia.
Trả lời câu hỏi về tình hình nhân sự hiện tại, đại diện CTD nhấn mạnh không cắt giảm, vì chủ trương Công ty là không đánh đổi chỉ số kinh tế bằng mọi giá. Mặt khác, năm sau có nhiều nguồn việc, CTD còn phát triển theo hướng đa dạng nên bài toán nhân sự (không phải ngành xây dựng) thực tế là bài toán khó của Công ty tính đến hiện tại.
Riêng ngành xây dựng, theo quan sát từ phía CTD thì không hẳn là cắt giảm và cũng không hẳn là tuyển thêm. “Chỉ có thể gọi chung là các nhà thầu đang tối ưu hoá nhân lực, và việc tối ưu hoá sẽ tuỳ thuộc vào chiến lược phát triển dài hạn của từng công ty”, phía CTD nói thêm.
2022 có thể nói là năm khó khăn chung của nền kinh tế và đặc biệt ngành xây dựng. Không chỉ tổn thương hậu Covid-19, giá VLXD tăng mạnh, mà những sự kiện liên quan đến thị trường bất động sản cùng tín dụng cũng đang kéo lùi tăng trưởng của ngành.
CTD không ngoại lệ, quý 3/2022 dù doanh thu có tăng trưởng, song giá vốn tăng khiến biên lợi nhuận gộp Công ty chỉ còn 1%. Khấu trừ các chi phí, CTD lỗ sau thuế 3,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, Công ty cũng đã trích lập dự phòng hoàn toàn khoản nợ xấu đối với Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh - trị giá 483 tỷ đồng và CTCP Đầu tư Minh Việt. Mới nhất, CTD tiếp tục trích lập dự phòng toàn bộ cho 2 Dự án Alpha Hill và IFC Saigon Tower One (liên quan chủ đầu tư Vạn Thịnh Phát).