Một trong những điều khiến hai cá mập đầu tư đó là họ rất ấn tượng với đội ngũ sáng lập của Umbala, đặc biệt là Thức Vũ (Vũ Duy Thức).
Đội ngũ founders của Umbala bao gồm Hùng Trần, sáng lập và CEO GotIt! - start-up từng gọi vốn thành công 9 triệu USD tại Silicon Valey với vai trò 'Product advisor' (Cố vấn sản phẩm); Tiến sĩ ĐH Stanford Thức Vũ - một trong những người Việt khởi nghiệp thành công nhất tại Silicon Valley - cố vấn đồng thời là nhà đầu tư thiên thần; Thanh Lê - cựu kỹ sư của Google tại Mỹ từng đạt giải lập trình toán quốc tế… Shark Vương cho biết ông rất ấn tượng khi nhắc đến cái tên Thức Vũ.
Trong nhiều dịp gặp gỡ các startup Việt, giới khởi nghiệp cũng "rỉ tai" nhau họ rất “nể” Thức Vũ, nhân vật khởi nghiệp người Việt được nhiều người biết đến tại Thung lũng Silicon Valey.
Mới đây, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ nhân vật này tại sự kiện về AI tại TP HCM.
Vậy Thức Vũ là ai?
Vũ Duy Thức là cựu học sinh chuyên tin học Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM), từng đoạt nhiều giải nhất quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại Việt Nam và Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp hạng ưu (với điểm tuyệt đối 4/4) tại đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ về công nghệ tin học - Carnegie Mellon, đồng thời đoạt giải thưởng “Sinh viên ưu tú nhất” của Hiệp hội Nghiên cứu Tin học Mỹ (CRA), Vũ Duy Thức được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại bảy đại học hàng đầu của Mỹ.
Sau đó, Vũ Duy Thức tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ thông tin (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo - AI - artificial intelligence) tại Đại học Stanford năm 2010, khi anh 28 tuổi.
Sinh sống tại Mỹ thời gian dài, Duy Thức nhận ra rất nhiều người cao tuổi bên Mỹ phải sống một mình (hiện có 44 triệu người trên 65 tuổi tại Mỹ, khoảng 70% trong số này sống một mình). Những người này không thoát được sự cô đơn và luôn cần sự giúp đỡ trong nhiều việc.
Vũ Duy Thức (đứng giữa) tại Công ty OhmniLabs.
Có thể hình dung đơn giản Ohmni là một robot gọn nhẹ, có khả năng di chuyển linh hoạt và gắn trên đỉnh một máy tính bảng (hiển thị gương mặt người ở xa), một webcam (thu hình trực tiếp), máy thu âm ở phần giữa... Do sự linh hoạt này mà robot có thể cùng đi dạo, xem phim... với người già mà cả hai bên đều không bị gián đoạn việc riêng.
“Robot được kết nối với mạng không dây và được quản lý, kích hoạt hoàn toàn từ người ở xa. Ngay cả thao tác mở, tắt hay sạc pin thì người già cũng không phải làm”, Duy Thức cho biết.
Sản phẩm sau khi được đưa ra thử nghiệm sáu tháng trước đã thu về những phản hồi rất tích cực từ giới truyền thông Mỹ lẫn người dùng. Thức Vũ dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường như Mỹ, Nhật… trong vài tháng nữa.
Vũ Duy Thức cũng từng là đồng sáng lập hai công ty Katango và Tappy được Google , Weeby.co mua lại.
Mang AI về Việt Nam
Tháng 1/2018, Thức Vũ cùng Thắng Lương, người làm cho Google Brain, thành lập ra VietAI. VietAI là dự án phi lợi nhuận đưa các chuyên gia thực hành, nhà nghiên cứu trực tiếp đào tạo những kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) muốn bước chân vào lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo).
Thắng Lương, Cofounder của VietAI.
Thắng Lương, Cofounder của VietAI cho biết, hiện VietAI đã có 3 lớp học tại TP HCM và 1 tại Hà Nội. Đã có 110 học viên tốt nghiệp trong đó có 8,2% là nữ và 91,8% là nam. 8% những người đã trải qua các khóa học AI quan tham gia giảng dạy tại team.
Ngày xách ba lô đến xứ người học tập, cả Thức và Thắng mới chỉ 18 - 20 tuổi. Sau cả thập kỷ học tập và “bôn ba” nơi xứ người, hai người Việt trẻ khát vọng mang AI về Việt Nam, đưa những công nghệ tiên tiến của thế giới trở về để xây dựng lớp trẻ đam mê AI, góp phần xây dựng quê hương.