Cứ sau vài trận mưa đầu mùa, các thửa ruộng vùng đất ngập phèn Đồng Tháp Mười lại lênh láng nước. Đó là lúc những cây hẹ nước bắt đầu đâm tược. Chẳng mấy chốc, cọng hẹ đã mọc dài chừng năm, sáu tấc, mặt lá rộng cỡ bề ngang một ngón tay.
Kêu là hẹ nước vì nó mọc dưới nước, ở trong các thửa ruộng phèn, gốc bám sâu dưới bùn đất, bụi hẹ vươn lên khỏi mặt nước và xòe ra xung quanh, lá tỏa ra dập dềnh, dập dềnh, uốn éo theo từng đợt sóng mỗi khi có cơn gió thổi qua làm mặt nước ruộng chao động, phập phồng.
Thật ra, nó không giống với hẹ trên cạn chút nào hết. Hẹ trên cạn dày lá nhưng bề ngang lá hẹp, màu xanh sẫm. Hẹ nước lá mỏng, có gân trắng chính giữa và giống lá sả hơn, nhưng không dày, cứng, có lông tơ như lá sả, mà mỏng, mềm, hơi trong trong, màu xanh nhàn nhạt như lá sả. Lá hẹ nước mềm, xốp và giòn, vị ngọt thanh mát rượi.
Hẹ nước là một loài rong không chỉ mọc ở ruộng nước, mà còn hiện diện ở các kênh mương, đầm nước vùng đất phèn. Cũng như lúa trời (lúa ma), loài rau dại này mọc nhiều ở khu vực Đồng Tháp Mười.
Người dân gọi đây là “của trời cho” cũng phải thôi, bởi giống hẹ này không chỉ là loại rau ngon mà còn có giá trị kinh tế, đặc biệt chỉ tự mọc (không thể trồng), vùng đất nào có hẹ thì dù có luân canh thế nào, “hễ tới mùa nước nổi - đất trống là hẹ lại sinh sôi”.
Hẹ nước phần càng gần gốc trắng càng ngon. Muốn hái hẹ nước phải lội xuống ruộng, trầm mình dưới nước, thò tay tìm cái gốc hẹ mà lắc lắc vài cái cho đất nhão ra rồi nhổ lên cả bụi lẫn gốc rễ. Nơi nào nước sâu, chảy mạnh và nhiều thì lá hẹ nước có màu xanh đậm và to bản hơn, xốp hơn, giòn hơn và thơm hơn là hẹ mọc ở đáy mương.
Người miền Tây thương quá là thương. Nhìn các cô các bác lội nước, trầm mình suốt hàng tiếng đồng hồ mà trên môi vẫn nở nụ cười tươi rói. Từng mớ hẹ ngon lành được giũ bùn sạch sẽ rồi đem về cho vô thau lớn đổ nước sạch vô ngâm khoảng một giờ đồng hồ cho dễ rửa.
Lúc nào ăn người ta xếp hẹ lên đĩa bàn lớn. Ðể nguyên gốc rễ ăn vẫn được nhưng nếu muốn nhìn thấy đẹp mắt thì lấy kéo cắt bỏ phần rễ đi. Khi ăn cuộn nó lại thành một cuộn cỡ ngón chân cái, chấm vô mắm kho, cá kho hay thịt kho mà ăn. Ngon nhất là chấm với mắm kho, ăn với bún tươi hoặc cơm. Dân miền Tây coi đây như loại rau sống, ăn rất ngọt, mát và giòn.
Từ một thứ rau dại bỏ đi, người miền Tây dùng nó như một món ngon dân dã và đặc sản riêng chỉ nơi đây mới có. Nếu có dịp ghé thăm vùng quê sông nước này, bạn hãy thử ngay món ăn này xem sao nhé! Biết đâu chỉ cần nếm thử một lần thôi là bạn cứ phải nhớ mãi về miền đất này?