Nhiều năm trước đây, các quốc gia có thể đánh đổi yếu tố môi trường cho phát triển kinh tế nhưng ở thời điểm hiện tại, sự "đổi chác" này đã không còn được chấp nhận. Mất cân bằng về môi trường đã tạo ra sự xung đột. Cụ thể hơn, nó đến từ hai nguyên nhân: tổn thất do mức độ ô nhiễm cao và bất công về môi trường.
Hiện nay, các bất công về môi trường ít khi được nghiên cứu, nhắc đến một cách chi tiết dẫn đến xung đột ngày một gia tăng giữa doanh nghiệp và người dân.
Nhằm đảm bảo tốt công lý môi trường và giúp người dân có thể tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình quyết định các vấn đề này, trường Đại học Kinh tế Quốc dân và UNDP đã phối hiện thực hiện chương trình toạ đàm: "Xung đột môi trường, tác động xã hội, và công lý môi trường, nghiên cứu các trường hợp, phân tích và gợi ý chính sách đối với Việt Nam", sáng này 25/1.
Theo số liệu PAPI 2016, các vấn đề môi trường đứng thứ 2, sau đói nghèo, trong những vấn đề khẩn cấp nhất mà người dân mong muốn giải quyết. Cụ thể, 77% số người được hỏi cho rằng Nhà nước nên bằng mọi giá ưu tiên bảo vệ môi trường hơn là tăng trưởng kinh tế.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP Việt Nam nhấn mạnh rằng cần phải phải hiểu rõ những động thái xung đột môi trường đang diễn ra, những tác động chính trị và kinh tế xã hội để bảo vệ quyền về môi trường cũng như tiếp cận công lý cho những ng chịu ảnh hưởng.
Bà cho biết có 3 yếu tố quan trọng chỉ ra 3 yếu tố quan trọng giúp đảm bảo quyền về môi trường từ các trường hợp được nghiên cứu và kinh nghiệm các nước, gồm: Chính phủ lấy ý kiến của cộng đồng trước khi tiến hành những hoạt động ảnh hưởng đến môi trường; Đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình ra quyết định các vấn đề môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của họ; Đảm bảo tiếp cận với toà án hoặc bất kỳ cơ chế hoà giải nào để giải quyết xung đột môi trường.
GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết xung đột môi trường không chỉ là yếu tố kỹ thuật mà còn là vấn đề xã hội. Kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu chỉ dựa vào kênh quản lý hành chính của nhà nước thì không thể quản lý hiệu quả ô nhiễm, giải quyết được cá xung đột môi trường. Do vậy, GS. Đạt khuyến nghị cần có sự tham gia của người dân, các tổ chức chính trị, tổ chức chuyên môn để tháo gỡ xung đột này.