Hệ số rủi ro beta (β) trong chứng khoán là hệ số đo lường mức độ biến động hay còn gọi là thước đo rủi ro hệ thống của một chứng khoán hay một danh mục đầu tư trong tương quan với toàn bộ thị trường. Beta được sử dụng trong mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) để tính toán tỷ suất sinh lời kỳ vọng của một tài sản dựa vào hệ số beta của nó và tỷ suất sinh lời trên thị trường.
Nếu một chứng khoán có hệ số beta:
+ Bằng 1, mức biến động của giá chứng khoán này sẽ bằng với mức biến động của thị trường.
+ Nhỏ hơn 1, mức độ biến động của giá chứng khoán này thấp hơn mức biến động của thị trường.
+ Lớn hơn 1: mức độ biến động giá của chứng khoán này lớn hơn mức biến động của thị trường.
Cụ thể hơn, nếu một chứng khoán có beta bằng 1,2 thì trên lý thuyết mức biến động của chứng khoán này sẽ cao hơn mức biến động chung của thị trường 20%.
+ Bằng 0: mức độ biến động giá của chứng khoán này hoàn toàn độc lập với thị trường.
Công thức tính hệ số beta:
Beta = Covar(Ri,Rm)/Var(Rm)
Trong đó:
• Ri : Tỷ suất sinh lời của cổ phiếu. Được tính bằng R = (P1-P0)/P0 với P1 là giá đóng cửa điều chỉnh phiên đang xét; P0 là giá đóng cửa điều chỉnh phiên trước đó.
• Rm: Tỷ suất sinh lời của thị trường (ở đây là VN-Index).
• Var(Rm): Phương sai của tỷ suất sinh lời của thị trường.
• Covar(Ri,Rm): Hiệp phương sai của tỷ suất sinh lời của chứng khoán và tỷ suất sinh lời của thị trường.
Ý nghĩa của hệ số beta
• Việc phân tích hệ số beta sẽ giúp các nhà đầu tư xác định đúng các đối tượng cổ phiếu phù hợp với khẩu vị của bản thân nhờ so sánh được các mức độ biến động giá của cổ phiếu một doanh nghiệp so với mức độ biến động chung trên thị trường chứng khoán.
• Hệ số beta giúp các nhà đầu tư định giá và phân tích cổ phiếu trong mô hình CAPM.
• Hệ số beta thể hiện được mối quan hệ giữa mức độ rủi ro của cổ phiếu (tài sản riêng lẻ) so với sự biến động chung của thị trường.
• Hệ số beta sẽ thay đổi khi nền kinh tế có sự thay đổi.