Theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, TP HCM và các tỉnh phía Nam có 3 dự án Vành đai 2 - 3 - 4, dự kiến hoàn thành trước năm 2025. Tính đến nay, các dự án đều chưa hoàn thành dù có quy hoạch cả chục năm. Một số dự án thời gian vừa qua đã được “đốc thúc” mạnh mẽ.
Đường Vành đai 2 chưa được khép kín
Đường Vành đai 2 TP HCM được quy hoạch từ năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 64 km, quy mô 6 - 10 làn xe. Dự án đi qua 8 quận của TP HCM là Quận 2, 7, 8, 9, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn. Toàn tuyến đã xong 50 km, còn 14 km được chia làm 4 đoạn nhưng chưa hoàn thành. Đoạn 1 và 3 thuộc địa phận TP Thủ Đức, trong đó đoạn 1 kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội có chiều dài hơn 3,5 km, vốn đầu tư trên 9.000 tỷ đồng; đoạn 3 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1, dài 2,75 km, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) từ năm 2017.
Đoạn 2 từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, chiều dài hơn 2,4 km, tổng vốn đầu tư 5.569 tỷ đồng. Đoạn 4 xây dựng từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 với chiều dài 5,3 km, tổng mức đầu tư 9.240 tỷ đồng.
Theo cập nhật, đoạn 1 - 2 - 4 không kêu gọi được đầu tư nên đã chuyển đầu tư bằng ngân sách thành phố, đoạn 3 đã triển khai từ năm 2017 nhưng vướng bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục.
Tới tháng 5 năm nay, đoạn 3 đạt khối lượng thi công khoảng 44%, công tác chi trả bồi thường hỗ trợ tái định cư đạt hơn 78% và diện tích mặt bằng bàn giao đạt khoảng 74%.
Quy hoạch 3 tuyến đường Vành đai. Thiết kế: Bảo Linh |
Đường Vành đai 3: Chờ các địa phương phản hồi
Vành đai 3 dài hơn 90 km, đi qua địa phận TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - QL 22 và QL 22 - Bến Lức. Theo quy hoạch được phê duyệt 11 năm trước, dự án cơ bản hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên đến nay, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài hơn 16 km đã hoàn thành. Các đoạn còn lại chưa triển khai gồm đoạn 1 Tân Vạn - Nhơn Trạch (28 km, 55.600 tỷ đồng), đoạn 3 Bình Chuẩn - QL 22 (15 km, 40.000 tỷ đồng), đoạn 4 QL 22 - Bến Lức (gần 29 km, vốn hơn 41.800 tỷ đồng).
Mới đây, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất chia dự án thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 là đầu tư xây dựng đường song hành (gồm các tuyến nối) và các hạ tầng kỹ thuật. Dự án thành phần 2 là đầu tư xây dựng phần đường cao tốc (bao gồm các nút giao).
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương liên quan khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM, hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan trong đó có UBND TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An sớm cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo, đảm bảo tiến độ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10.
Theo phương án của TP HCM, các dự án thành phần nên xem xét phân chia thành các tiểu dự án. Các tiểu dự án gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh (bao gồm phần tuyến và nút giao); đầu tư xây dựng phần đường song hành; đầu tư xây dựng đường nối (tuyến nối vào Khu công nghiệp Ông Kèo - tỉnh Đồng Nai, tuyến nối với nút giao TP Thủ Đức, TPHCM). UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An chịu trách nhiệm thực hiện các dự án thành phần xây dựng đường song hành (bao gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh) trên địa bàn do địa phương mình quản lý.
Về tổng mức đầu tư, các dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành và công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh giai đoạn 1 khoảng 51.777 tỷ đồng (chưa bao gồm 8.300 tỷ đồng tuyến nối vào Khu công nghiệp Ông Kèo, tỉnh Đồng Nai và tuyến nối với nút giao TP Thủ Đức, TP HCM). Giai đoạn hoàn chỉnh khoảng 64.967 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 44.229 tỷ đồng.
Cùng với TP HCM, Long An cũng có đề xuất triển khai dự án. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương chưa có văn bản trả lời về phương án đầu tư hoàn chỉnh đường Vành đai 3 TP HCM theo đề xuất của Bộ GTVT và UBND TP HCM. Do đó, nếu không kịp tiến độ, dự án sẽ phải trình tại kỳ họp thứ III Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào cuối tháng 5/2022), kéo dài thời gian thêm 7 tháng.
|
Tuyến Vành đai 3, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đưa vào khai thác. Ảnh: VGP |
Đường Vành đai 4: Đề xuất giao 5 tỉnh, thành phố cùng thực hiện
Vành đai 4 dài 200 km, đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Long An, ước tính tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuyến đường được chia làm 5 đoạn, trong đó chỉ đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (dài gần 36 km), tổng vốn 20.000 tỷ đồng đang được nghiên cứu đề xuất đầu tư. Các đoạn còn lại gồm Phú Mỹ - Trảng Bom (hơn 45 km), Trảng Bom - QL 13 (52 km), QL 13 - QL 22 (gần 23 km), QL - Bến Lức (hơn 41 km) chưa được khởi động.
Giống như tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 cũng được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo sớm khép kín trong giai đoạn 2021 - 2025 và phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tất cả dự án.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến 4 bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp về đề xuất giao cho 5 tỉnh, thành phố cùng đầu tư tuyến đường này. Theo đề xuất, UBND tỉnh Long An được giao là cơ quan có thẩm quyền đầu tư đoạn Thầy Cai - Hiệp Phước (dài 71 km); TP HCM đầu tư đoạn từ cầu vượt sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai (dài 17 km); Bình Dương đầu tư đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (dài 49 km); Đồng Nai đầu tư đoạn từ Bầu Cạn - cầu Thủ Biên (dài 45 km); Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư đoạn từ Phú Mỹ - Bầu Cạn (dài 18 km).