Theo thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 sáng nay (3/3) cho biết, chỉ số CPI tháng 2 tăng 1,42%, 2 tháng tăng 1,68%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Tín dụng tăng trưởng 1,82% so với cuối năm 2021.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuối năm 2021, dư nợ tín dụng đạt 10,44 triệu tỷ đồng.
Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 190.000 tỷ đồng tín dụng.
Đáng chú ý, trước đó, NHNN cho biết, dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 2,74% trong tháng 1/2022, tương đương tăng gần 286.000 tỷ đồng.
Theo đó, trong tháng 2, dư nợ tín dụng đã không tăng mà còn sụt giảm 96.000 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể do yếu tố mùa vụ khi tháng 2 rơi vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp thường không nhiều như giai đoạn nửa cuối năm. 2 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt vỏn vẹn 0,66%, tương đương dư nợ tăng hơn 60.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia đang khá lạc quan với dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2022. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán BSC, năm 2022, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%, được hỗ trợ bởi việc tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh. Ngoài ra, gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng.
Trước đó, trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng cả năm vẫn đạt hơn 13%, và quý 4 là quý bứt phá mạnh nhất. Trong năm 2022, NHNN dự kiến mở rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên khoảng 14% và có thể linh hoạt theo định hướng điều hành. Việc phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sẽ được thực hiện theo các công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và các phương án điều hành khác.