Mặc dù đang có những bước tiến vững chắc để phục hồi ngành ngân hàng, vấn đề thiếu vốn của các nhà băng Việt vẫn là điểm yếu chính trong cơ cấu hoạt động khi mà hạn chót đáp ứng tiêu chuẩn Basel II đang đến gần.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, việc phải thực hiện Basel II từ 1/1/2020 đã đặt ra mức thiếu hụt vốn gần 20 tỷ USD tương đương với khoảng 9% GDP cho các ngân hàng Việt để đáp ứng được các tiêu chuẩn của Basel II. Ngoài ra, hãng Moody’s nhận định, tăng vốn khả năng sẽ còn bị chậm do hậu quả của việc tăng trưởng cho vay nhanh hơn.
Các ngân hàng đã đẩy mạnh tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trong những năm qua để cải thiện mức vốn hóa của họ, các ngân hàng lớn tăng khoảng 1,7 tỷ USD vốn cổ phần trong giai đoạn 2015-2017 nhưng cũng bị cản trở do thị trường vốn trong nước còn thiếu chiều sâu.
Quy mô lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam liên quan tới thị trường vốn vẫn đang trong quá trình phát triển của nó, làm hạn chế khả năng huy động vốn từ nội địa. Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Việt đạt hơn 200% GDP vào cuối năm 2017, trong khi tổng vốn hóa của HoSE chỉ khoảng 45% GDP. Mức vốn hóa thị trường tự do còn thấp hơn đáng kể, chỉ ở mức 15% GDP. Điều này có nghĩa, các ngân hàng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài như một nguồn để tăng vốn cấp 1. Trong khi đó, quy định mức trần 30% đối với sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra thách thức, nhất là với các ngân hàng đã tiến tới giới hạn này như VietinBank và ACB.
Trên thực tế, các ngân hàng mà Fitch đang xếp hạng chỉ cần tăng 4,1 tỷ USD nhưng vẫn có thể dễ dàng tăng 6,5 tỷ USD nếu họ tăng mức trích lập dự phòng lên 5% tổng dư nợ và trái phiếu đặc biệt của VAMC.
"Nhu cầu vốn của toàn hệ thống có thể còn lớn hơn 3 lần những ngân hàng mà Fitch đang xếp hạng – nhóm chỉ chiếm 40% tổng tài sản toàn hệ thống tại thời điểm cuối năm 2017", Fitch cho biết.