Tại Hội thảo "Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam", các chuyên gia đã chỉ ra nhiều rủi ro, thách thức mà hệ thống tài chính Việt Nam đang phải đối mặt trước tác động của đại dịch COVID-19 . Một trong số đó là tỷ lệ nợ trong khu vực doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi vốn lại không chảy vào sản xuất kinh doanh mà đổ về các kênh đầu cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước thực tế, thời gian qua chính phủ các nước tăng cường bơm tiền ra nền kinh tế để đối phó với tình trạng suy thoái vì đại dịch, giới chuyên gia cho rằng nguy cơ lớn nhất cho Việt Nam từ tình hình thế giới đó là những khối nợ toàn cầu lên đến hơn 360% GDP.
"Chúng ta đang đối mặt với những biến động của thị trường tài chính. Nếu lãi suất tăng, đó là gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế. Vì vậy, cần chỉnh lý lại dòng tín dụng vào nền kinh tế để tránh cú sốc từ bên ngoài", Tiến sĩ Lê Đạt Chí - Phó Trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nói.
Ảnh minh họa - Dân trí.
Một phần dòng vốn tín dụng lại đang chảy ra ngoài sản xuất kinh doanh vào các kênh đầu cơ như bất động sản, chứng khoán... Hiện tượng sốt đất tại nhiều địa phương thời gian qua là một biểu hiện cũng gây rủi ro làm chậm tốc độ quay vòng vốn.
Theo giới chuyên gia, một thách thức khác còn là làm sao nắm bắt được cơ hội từ bối cảnh tiền rẻ trên thế giới, để gia tăng dự trữ ngoại hối và huy động vốn đầu tư cho giai đoạn tới.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nói: "Chúng tôi đánh giá đây là khả năng thuận lợi để chúng ta huy động nguồn vốn cho đầu tư phát hành trái phiếu. Mức phát hành ra bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào khả năng hấp thu của nền kinh tế trong nước, tránh tình trạng không đánh giá được khả năng trả nợ của các đơn vị thụ hưởng khoản vay đấy".
Thời điểm này khi các chính sách tiền tệ được nới lỏng, các chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch để tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu, được đánh giá là giải pháp cơ bản và hiệu quả để phòng chống rủi ro.