Phát triển đàn cụ kỵ, ông bà và bố mẹ
Ghi nhận thực tế, sau 5 tháng tích cực tái đàn sau dịch tả heo châu Phi và đảm bảo an toàn sinh học, hiện đàn heo của Đồng Nai đã đạt 2.031.000 con (tăng khoảng 14% so với tháng 1). Việc tái đàn tại Đồng Nai cơ bản được đánh giá là khá thuận lợi dù khan hiếm nguồn giống. Tính đến thời điểm này Đồng Nai đang có 815 con heo giống cụ kỵ ông bà, 215.000 nái sinh sản, 64.517 nái hậu bị, 3.700 đực giống, 371.755 heo con theo mẹ sắp cai sữa để xuất giống. Đây chính là những “tài nguyên” mà Đồng Nai có sẵn để thực hiện việc tái đàn một cách thuận lợi hơn.
Nhưng để có con giống đủ cung ứng ra thị trường trong thời gian tới cũng như phục vụ nhu cầu tái đàn tự túc thì hiện nay người chăn nuôi và các doanh nghiệp đang ra sức tiến hành gây đàn nái.
Theo đó, các doanh nghiệp lớn chọn phương án nhập đàn nái về. Các hộ chăn nuôi thì có hộ gây từ heo nái hậu bị nhưng có hộ lại chọn phương án “liều” gây nái từ heo thịt để xem mức độ tạo giống như thế nào mới thực hiện điều chỉnh.
Trại giống heo cụ kỵ ông bà, bố mẹ đã tái đủ đàn và đang cố gắng nhân giống cung ứng ra thị trường.
Đến nay, 10/11 địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện tái đàn. Kết quả có 328 cơ sở đã tái đàn, tăng đàn đạt số lượng 219.845 con (6.831 heo nái, 35 heo hậu bị, 14 heo đực giống, 2.274 heo cai sữa và 210.691 heo thịt).
Trại Hoa Phượng thuộc ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu của ông Nguyễn Hữu Thắng là một trại lớn với mô hình vừa nuôi heo thịt vừa nuôi heo đực và heo nái để tự gây giống. Tuy nhiên, sau đợt dịch, trại heo của ông Thắng bị chết 700 con heo nái và hàng ngàn con heo thịt, heo con gây giống nên công việc hiện nay được ông Thắng tập trung là tái đủ đàn như thời điểm chưa có dịch tả heo châu Phi xuất hiện.
Ông Thắng cho biết, hiện ông đã tăng đàn nái lên 93 con và dự kiến hết năm nay sẽ tăng đủ đàn nái là 700 con. Tuy nhiên, do con giống để gây nái giá rất cao (15 triệu đồng/con) lại rất khan hiếm nên ông buộc phải tạo heo nái từ heo thịt để sớm tái đủ đàn phục vụ quá trình chăn nuôi của trang trại.
Nhiều trại cố gắng tự tạo heo bố mẹ để cho ra heo giống.
“Hiện heo giống nuôi thịt trên thị trường là 3,1 - 3,2 triệu đồng/con nhưng cũng rất khó mua. Với giá heo như vậy kèm tiền cám thì đầu tư ban đầu cho 1 con heo đã mất khoảng 6,3 - 6,5 triệu đồng. Nếu sau 4-5 tháng nữa heo xuất chuồng giá vẫn ở mức trên 80.000 đồng/kg thì người nuôi có lãi nhẹ. Nhưng nếu như giá heo từ mức 75.000 trở xuống thì người nuôi xem như huề vốn hoặc lỗ nặng. Vì vậy chúng tôi quyết định tự gây heo nái từ heo thịt để phục hồi lại đàn của trại” - ông Thắng chia sẻ.
Cố gắng tự tái đàn
Tại trang trại của anh Hoàng Đình Đông ở huyện Thống Nhất, trước khi dịch tả heo Châu Phi, quy mô đàn lên đến 5.000 con nhưng hiện tại đàn heo của gia đình anh đã chết hết và phải gây đàn trở lại. Trước đây, gia đình anh chỉ có 5 con nái, 1 con đực để gây giống số lượng ít, số còn lại mua bên ngoài. Còn thời điểm này do heo giống quá cao nên gia đình anh quyết định chuyển sang gây giống nái và đực để tự cung tự cấp con giống đảm bảo khép kín một số khâu trong chăn nuôi.
“Cũng phải học theo cách các trại lớn vẫn làm là tự cung tự cấp con giống thôi. Lúc này mà mua giống ngoài để nuôi coi như chết đứng vì khó lường được tình hình mà giá quá cao” - anh Đông nói.
Cũng theo anh Đông, một con heo nái sẽ cho ra khoảng 20 - 24 con heo giống mỗi năm và phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn và heo nái phải thật sự chất lượng mới cho ra con giống tốt.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra việc tái đàn heo ở Đồng Nai.
Trong khi đó, tại trại heo giống gốc quốc gia Bình Minh, nhờ làm tốt công tác đảm bảo đàn trong mùa dịch tả heo Châu Phi nên chỉ mất 8% tổng đàn vì dịch. Đây là trại giống trước đó được Cục Thú y khen thưởng vì làm tốt công tác đảm bảo an toàn sinh học, giữ đàn gần như trọn vẹn.
Theo ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Phó Giám đốc Phân viện chăn nuôi Nam Bộ, đại diện trại giống Bình Minh, đến thời điểm này trại giống cơ bản đã phục hồi được toàn bộ 500 con nái cụ kỵ để sản xuất ra heo ông bà - bố mẹ nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường.
Heo giống cụ kỵ tại Trại giống quốc gia Bình Minh.
Ông Tỉnh cho biết, trại Bình Minh chỉ có đàn cụ kỵ, ông bà và đây là những đàn heo đảm bảo cho công tác tái đàn trong thời gian tới. Mỗi tháng trang trại xuất đi 200-250 con heo giống bố mẹ đến các trại có nhu cầu nuôi heo đẻ.
“Các trại heo phải đảm bảo được an toàn sinh học thì công tác phục hồi mới sớm được thực hiện. Trước đó cũng nhờ sát trùng, sát khuẩn và phun xịt khử trùng, tăng sức đề kháng cho heo bằng enzim,… nên trại mới đảm bảo được số lượng đàn ổn định. Trước mắt chúng tôi phục hồi đủ đàn nhưng một chu kỳ tối thiểu để có con giống tốt cung ứng ra thị trường mất thời gian khá lâu. Dự kiến phải đến cuối năm mọi thứ mới thật sự trở lại ổn định”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Chánh cho biết, hiện Đồng Nai đang tăng cường tái đàn, phát triển đàn heo và đã đạt hơn 80% tổng đàn so với trước dịch. Đồng Nai sẽ vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI phát triển đàn giống để có nguồn con giống cung cấp cho người chăn nuôi; liên kết với người nông dân để cung cấp giống, kỹ thuật nhằm đảm bảo tái đàn an toàn. Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, đặc biệt là phát triển đàn heo giống. |