Hồi cuối tháng 5, khi nguồn cung khan hiếm, giá thịt heo hơi trong nước tăng rất cao, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Dương đã cảnh báo do giá trong nước cao, chạm mốc 50.000 đồng/kg, nên heo từ các nước xung quanh có thể tràn vào nước ta, trong đó có heo của Trung Quốc. Ông Dương cho rằng nếu không kiểm soát kỹ, nguy cơ heo Trung Quốc sẽ lùa cả đàn sang Việt Nam, gây xáo trộn thị trường, nhất là ở các tỉnh miền Bắc giáp ranh Trung Quốc.
Ồ ạt nhập lậu
Thực tế, thời gian gần đây, heo Trung Quốc đã tràn sang nước ta bằng đường tiểu ngạch. Cụ thể, lúc 4 giờ 10 phút ngày 1-7, tại tỉnh Lạng Sơn, Đội QLTT số 12 phối hợp với Công an huyện Đình Lập, Đồn Biên phòng Bắc Xa kiểm tra 2 ôtô đang vận chuyển heo thịt (còn sống) nhập lậu từ hướng biên giới xã Bắc Xa (huyện Đình Lập) qua địa bàn huyện Đình Lập về các tỉnh phía sau tiêu thụ.
Hai ôtô vận chuyển heo thịt nhập lậu bị Đội QLTT số 12 phối hợp bắt giữ trên địa bàn huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn Ảnh: HÙNG TRÁNG
Kiểm tra thực tế trên 2 ôtô có vận chuyển 18 con heo thịt (3.040 kg). Chủ số hàng trên là ông Lộc Văn Xuân (trú xã Bính Xá, huyện Đình Lập) và ông Trần Văn Hải (trú huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) đã khai nhận toàn bộ số heo sống trên mua từ một số người dân Trung Quốc, sau đó vận chuyển qua các đường mòn biên giới về Việt Nam.
Cũng trên địa bàn huyện Đình Lập, trước đó, vào lúc 1 giờ ngày 6-6, Đội 389 tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội QLTT số 12 đã kiểm tra và bắt giữ một ôtô vận chuyển 13 con heo còn sống được vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Điểm khác thường là trọng lượng của từng con rất lớn, khoảng trên 100 kg/con, trên tai mỗi con heo đều có mã số bằng chữ Trung Quốc...
Làm việc với cơ quan chức năng, những người vận chuyển khai nhận số heo nói trên được mua của một số người dân Trung Quốc và được nhập lậu qua các đường mòn biên giới tại địa bàn xã Bắc Xa, với mục đích vận chuyển vào nội địa bán kiếm lời.
Trước đó, ngày 1-6, Đội QLTT số 10 Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ tại khu vực Tân Thanh, huyện Văn Lãng một ôtô tải đang vận chuyển 5 con heo còn sống với tổng trọng lượng trên 425 kg, được nhập lậu qua biên giới và đang vận chuyển vào sâu nội địa.
Không chỉ diễn ra ở tỉnh Lạng Sơn, tại tỉnh Quảng Ninh cũng liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển trái phép thịt heo, heo sống và heo giống từ Trung Quốc về Việt Nam. Cụ thể, ngày 9-5, Trạm Kiểm soát biên phòng Bắc Phong Sinh, Đồn Biên phòng Quảng Đức phối hợp với Tổ Kiểm soát Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh đã bắt giữ ôtô tải chở 12 con heo nái, tổng trọng lượng 1,3 tấn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Qua quá trình điều tra, chủ hàng khai nhận đã mua số heo trên từ người dân Trung Quốc với giá 2 triệu đồng/con, sau đó nhập lậu về xã Quảng Minh để giết mổ rồi đem ra chợ tiêu thụ.
Chưa quá lo
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng việc giá heo hơi bên Trung Quốc thấp hơn Việt Nam từ 9.000-10.000 đồng/kg nên heo Trung Quốc được đưa sang Việt Nam tiêu thụ cũng không có gì lạ nhưng số lượng sẽ không đáng kể vì chỉ có thể được vận chuyển tiểu ngạch nơi những đường làng nhỏ hẹp, còn các cửa khẩu giáp biên được quản lý chặt thì khó lọt vào.
Giới kinh doanh cho biết giá heo bên Trung Quốc ở mức 36.000-37.000 đồng là ở trại heo quy mô công nghiệp, còn những hộ nuôi nhỏ lẻ thì phải đến 40.000 đồng/kg nên bán sang Việt Nam cũng không lời bao nhiêu. Còn với trại heo công nghiệp thì đã có hợp đồng mua bán lớn với các đối tác tiêu thụ trong nước nên cũng khó có khả năng đưa heo sang Việt Nam. Chưa kể nhu cầu tiêu thụ heo tại Trung Quốc rất lớn, hằng năm phải nhập hàng triệu tấn thịt mới mong đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tại TP HCM, mỗi ngày bình quân tiêu thụ khoảng 10.000 con heo nhưng khó có khả năng có nguồn heo hơi từ Trung Quốc. Theo bà Lê Thị Lan, một thương lái tại Đồng Nai cung ứng hàng cho TP HCM, dù giá heo đang cao nhưng nguồn cung vẫn đủ. "Mỗi ngày, tôi vẫn mổ khoảng 100 con heo nhưng chưa nghe nói về nguồn heo Trung Quốc trên thị trường. Có thể heo lậu bán tại các tỉnh phía Bắc vì đường vận chuyển gần còn có lãi, nếu vận chuyển vào phía Nam thì chi phí đội lên, đắt hơn heo nuôi tại đây" - bà Lan phân tích.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, cho biết chi cục đang kiểm soát chặt nguồn heo nhập từ các tỉnh và chưa phát hiện heo có nguồn từ Trung Quốc. Lâu nay TP HCM nhập heo chủ yếu từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương,… các tỉnh xa nhất đưa heo về TP HCM là Lâm Đồng, Bình Thuận, chưa có nguồn từ các tỉnh xa hơn. Cũng theo ông Phát, hiện heo hơi tại Trung Quốc giá khoảng 36.000 đồng/kg, Việt Nam là 46.000 đồng/kg, mức chênh lệch chưa đủ lợi nhuận để bù chi phí vận chuyển, hao hụt khi đưa heo về TP HCM.
Đại diện chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP HCM) cũng khẳng định qua việc theo dõi thông tin heo nhập chợ hằng ngày, chưa ghi nhận có nguồn hàng từ Trung Quốc.
Lo dịch bệnh
Trao đổi với phóng viên chiều 6-7, lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai (địa phương chăn nuôi heo lớn nhất cả nước) tỏ ra lo lắng trước thông tin heo hơi Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. "Xét về mặt kinh tế, đây chỉ là chuyện nước chảy chỗ trũng, khi giá heo hơi ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc, cư dân biên giới buôn lậu để kiếm lợi nhuận. Vì nhập tiểu ngạch nên số lượng cũng không lớn, ít ảnh hưởng đến thị trường giá cả. Tuy nhiên, vấn đề của nhập lậu heo sống là nguy cơ mang theo dịch bệnh rất lớn, chỉ cần một đợt dịch bệnh xảy ra có thể tàn phá cả ngành chăn nuôi Việt Nam. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần kiểm soát chặt mặt hàng này để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Trước đây, Việt Nam cũng từng xuất khẩu heo tiểu ngạch đi Trung Quốc nhưng chính quyền nước này đã kiểm soát vấn đề này các đây 2 năm" - lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nêu.
Giới thương lái cho biết heo bên Trung Quốc được nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh và do sử dụng nhiều loại kháng sinh nên chất lượng heo rất kém.