Cụ thể, hơn 24 triệu lao động Mỹ đã bỏ việc trong khoảng tháng 4-9/2021, con số kỷ lục chưa từng có. Trào lưu bỏ việc cũng đang lan rộng tại Đức, Nhật Bản cùng nhiều quốc gia trên thế giới.
Hãng tin Bloomberg cho rằng hàng loạt những vấn đề tồn tại trên thị trường lao động đã dẫn tới tình trạng này và đại dịch Covid-19 chỉ là sợi dây dẫn nổ. Từ việc thu nhập tăng trưởng chậm hơn lạm phát, việc làm không ổn định cho đến giá cả bất động sản hay nuôi dạy con cái tăng cao đã khiến giới trẻ ngày nay khó có thể xây dựng một cuộc sống ổn định như những thế hệ đi trước.
Trào lưu nằm thẳng của Trung Quốc đang lan ra toàn cầu?
Một cuộc khảo sát của Microsoft cho thấy 50% lao động trên thế giới đã xem xét đến chuyện nghỉ việc sau đại dịch. Báo cáo của Qualtrics International thì cho biết 40% số lao động trẻ sẽ nghỉ việc nếu bị gọi trở lại đi làm toàn thời gian như trước đây.
Mặc dù những lao động lớn tuổi chê bai giới trẻ ngày nay lười nhác nhưng sự thật là tại các nước phát triển, số giờ làm việc bình quân trong vài thập niên qua đang trên đà đi xuống chứ không riêng gì giới trẻ.
"Mọi người ngày nay có quan điểm rất khác về lao động. Họ không muốn làm việc chỉ vì tiền nữa mà còn cần được đáp ứng những nhu cầu khác như sức khỏe, đảm bảo về sự nghiệp hay thỏa mãn đam mê", giám đốc Benjamin Granger của Qualtrics nhấn mạnh.
Sự nổi loạn tại Trung Quốc
Anh Li, một lao động phổ thông 32 tuổi từ Shaanxi cho biết mình đang tìm việc nhưng đã từ chối lời mời của một công ty khi nhận thấy có liên quan đến vận hành máy móc hạng nặng.
Câu chuyện của anh Li nói với hãng tin Bloomberg cho thấy một thực tại không thể tránh khỏi ở Trung Quốc, đó là khi đất nước giàu lên thì những người lao động lại ngày một kén cá chọn canh hơn.
Thế nhưng đây không phải là lý do duy nhất cho câu chuyện từ bỏ cố gắng của lao động Trung Quốc.
Vào tháng 8/2021, chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải hối thúc các quan chức có hành động nhằm chống lại phong trào "nằm thẳng" (Flying Flat) và tạo thêm cơ hội thăng tiến cho giới trẻ.
"Nằm thẳng"- Lying Flat hay Tang Ping là trào lưu mà theo đó, một bộ phận giới trẻ từ bỏ công việc cạnh tranh, không chịu phấn đấu sự nghiệp, chấp nhận chi tiêu tiết kiệm để sống một cuộc đời thoải mái, ít phải lao động nhất.
Thế nhưng các thanh thiếu niên Trung Quốc có lẽ đã chán phải cố gắng khi tiêu chuẩn sống và thành công của họ bị đem ra so sánh với những thế hệ đi trước.
"Tôi chẳng có việc làm ổn định trong 2 năm qua và bản thân tôi không thấy có vấn đề gì hết. Việc so sánh với những giá trị của thế hệ đi trước tạo nên áp lực cho giới trẻ ngày nay nhưng tôi cho rằng chúng tôi chẳng việc gì phải noi gương họ cả", một người theo trào lưu nằm thẳng bình luận trên Baidu Tieba vào tháng 4/2021.
Khởi điểm của trào lưu này xuất phát từ Thâm Quyến, nơi có trụ sở của vô số hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei hay Tencent với tổng dân số hơn 18 triệu người, bao gồm cả những dân nhập cư ngoại tỉnh không đăng ký.
Chính sự khắc nghiệp của môi trường công nghệ và đà giảm tốc đã khiến hàng loạt lao động nơi đây chán nản với văn hóa làm việc không ngơi nghỉ từng làm nên thành công của thế hệ đi đầu.
Anh Jack, một kỹ sư công nghệ 32 tuổi làm việc cho một hãng viễn thông được 5 năm nói với hãng tin Bloomberg rằng mọi chuyện giờ đây đã khác so với thời kỳ đầu đầy hoài bão lúc anh mới vào nghề. Công việc quá tải, lương bèo bọt, cơ hội thăng tiến thấp và khả năng phát triển không còn bùng nổ như trước trong bối cảnh giá cả tăng cao khiến anh chẳng thể chăm chỉ được như trước nữa.
"Rất nhiều mảng công nghệ đã đạt mức bão hòa và khó có thể tăng trưởng nóng được nữa. Thế nhưng những công việc nặng nhọc vẫn còn đó, áp lực vẫn thế và đương nhiên bạn sẽ dần mất hy vọng vào tương lai", anh Jack thú nhận.
Lao động phổ thông Trung Quốc đang "lười" hơn bao giờ hết
Mất niềm tin vào cơ hội làm giàu cùng giá cả leo thang khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2020.
Hãng tin Bloomberg cho biết không riêng gì tầng lớp lao động có tay nghề, ngay cả những công nhân nhập cư từ các tỉnh đổ về làm trong nhà máy cũng không còn được như xưa. Giờ đây lao động Trung Quốc ngập trong những trò chơi điện tử, livestream hay xem tivi trực tuyến. Họ nhận việc chỉ khi cần trả tiền nhà hoặc tiền điện thoại.
Ngày càng nhiều lao động từ bỏ các nhà máy để làm trong ngành dịch vụ nhàn hạ và cũng chẳng có ý tưởng gì cho tương lai. Cuộc đời của các công nhân, lao động nghèo Trung Quốc giờ đây được gói gọn trong khẩu ngữ: "Làm 1 ngày chơi 3 ngày".
Để làm gì?
Không riêng gì Trung Quốc, lao động Phương Tây cũng đang bỏ việc ngày càng nhiều để theo đuổi những giá trị mà họ cho là quan trọng hơn tiền bạc. Khảo sát của Mind Share Partners cho thấy 2/3 số lao động 25-40 tuổi bỏ việc trong năm 2021 là do suy giảm sức khỏe tinh thần. Con số này là 81% ở lao động dưới 24 tuổi.
"Làm việc điên cuồng và xa gia đình để rồi cuối cùng bạn sẽ phải tự hỏi: ‘tất cả để làm gì vậy?’", anh Ben Anderson, một nhân viên văn phòng từng tốt nghiệp trường đại học xịn và chuyển lên thành phố làm toàn thời gian 7 năm nói với hãng tin Bloomberg.
Giờ đây anh Anderson đã chuyển về sống cùng gia đình và làm bán thời gian sau quãng thời gian dài nghỉ dịch.
Tại Phương Tây, việc hàng loạt lao động nghỉ việc được gọi là "Đại khủng hoảng lao động" (Great Resignation) và chúng cũng chẳng khác mấy phong trào nằm thẳng tại Trung Quốc khi mọi người đã quá mệt mỏi vì lao đầu vào kiếm tiền.
Tỷ lệ lao động dưới 30 tuổi cuồng công việc tại các nước
Các số liệu chính thức cho thấy ở Châu Âu, số lao động đang làm việc ít hơn 2 triệu người so với thời điểm trước dịch.
"Cho dù bạn làm vất vả thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng đủ tiền mua nổi lấy 1 căn nhà. Vậy cố gắng để làm gì cơ chứ", anh Agui, một kỹ thuật viên từng bỏ việc để làm tự do vào năm 2006 nhưng vì cưới vợ nên quay trở lại làm toàn thời gian năm 2016 giờ đây than thở.