Chưa hết nhức đầu vì dầu thô, các nhà hoạch định chính sách lại đối mặt với một mối đe doạ mới liên quan đến dầu.
Lần này không phải vàng đen mà là vàng đỏ, hay được gọi là dầu cọ. Giá dầu cọ đã tăng phi mã sau khi Indonesia – quốc gia sản xuất 2/3 lượng dầu cọ toàn cầu, công bố sẽ ngừng xuất khẩu loại chất béo có màu cam đậm này với mục đích làm dịu giá thực phẩm trong nước.
Sự hoang mang lắng xuống một chút hôm 27/4 khi Indonesia giải thích rõ rằng lệnh cấm sẽ không áp dụng với dầu cọ thô – vốn là tiêu chuẩn cho giá chất béo thực vật toàn cầu.
Các đồn điền cọ tại Đông Nam Á – với thế giới - có vai trò không khác gì các cánh đồng ngô ở Trung tây Hoa Kỳ. Giống như ngô, quả cọ thể sản xuất hỗn hợp làm thức ăn cho người, thức ăn gia súc và nhiên liệu vận tải. Nó cũng được sử dụng làm xà phòng và các sản phẩm cá nhân khác – hiện đang là loại sản phẩm có nhu cầu lớn nhất chỉ sau thực phẩm.
Mọi thứ đều ổn khi cung – cầu cân bằng nhưng khi cán cân này bị thay đổi, giá thực phẩm thường bị ép lên rất cao, làm bùng lạm phát và các chính phủ buộc phải can thiệp.
Đó chính xác là những gì đang xảy ra ở Indonesia. Kể từ giữa những năm 2000, quốc gia này đã yêu cầu các đơn vị lọc dầu trộn ngày càng nhiều hơn dầu sinh học chiết xuất từ cây cọ vào nhiên liệu vận tải để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch nhập khẩu. Mức hiện tại là 30% và đang dần tiến tới 40%, thậm chí cao hơn nữa trong vài năm tới.
Điều này đang gây ra nhiều vấn đề. Khi mà giá dầu cọ đã tăng gấp 3 lần trong 2 năm qua, người ta biết rằng thế giới đang phải vật lộn để sản xuất đủ dầu cọ, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Giá dầu thực vật toàn cầu đã bất ổn trong nhiều tháng. Giá dầu đậu nành đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm ngoái do hạn hán ở Nam Mỹ ảnh hưởng đến khu vực sản xuất khoảng một nửa dầu đậu nành của thế giới này. Xung đột vũ trang tại Ukranie làm kìm hãm nguồn cung từ nhà sản xuất hoa hướng dương lớn nhất thế giới.
Tất cả những điều này tạo ra vấn đề nhức nhối đối với những người nghèo nhất thế giới ở Nam Á và châu Phi cận Sahara – những người chủ yếu phụ thuộc vào lượng calore từ dầu ăn trong các khẩu phần dinh dưỡng của mình.
Tuy nhiên, cây cọ vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Khoảng 2/3 lượng dầu thực vật đến từ cây cọ, được trồng chủ yếu tại các đồn điền ở Indonesia và Malaysia. Điều này đồng nghĩa những thay đổi trong chính sách pha trộn nhiên liệu ở Jakarta có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nuôi sống gia đình của người dân nông thôn ở Ấn Độ.
Giá dầu cọ đã tăng gấp 3 lần trong 2 năm qua.
Theo các chuyên gia, chính sách hiện tại của Indonesia đang tạo ra "thảm hoạ" cả về nhân đạo và khí hậu. Mong muốn thúc đẩy nhiên liệu sinh học của Indonesia là hợp lý nhưng thái độ mềm mỏng của nước này đối với phát thải ô tô và trợ cấp cho giá nhiên liệu đồng nghĩa họ đang khuyến khích tiêu dùng, ngay cả khi họ rất lo lắng về hậu quả.
Xe điện đã rẻ hơn ở Indonesia, chi phí khoảng 0,2 USD so với 0,45 USD cho xe chạy bằng nhiên liệu. Tuy nhiên, chính sách phát triển chưa đồng bộ đồng nghĩa với việc Indonesia đang kém khá xa so với Ấn Độ, nơi những chiếc xe điện 2 và 3 bánh đang phát triển rất nhanh và chiếm thị phần. Một ví dụ cho thấy vấn đề về chính sách tại Inodnesia là chính phủ dự kiến lắp đặt 170.000 trạm sạc vào năm 2021 nhưng thực tế chỉ có 148 trạm.
Giá dầu cọ tăng dẫn đến tăng doanh thu từ thuế xuất khẩu của Indonesia. Số tiền này sau đó được đưa trở lại để trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước, khuyến khích nhu cầu nhiên liệu cao hơn. Không phải ngẫu nhiên là hơn một nửa nhu cầu dầu cọ gia tăng từ năm 2018 là do tiêu thụ nội địa của Indonesia.