“Sau 10 năm thành lập huyện, dư nợ tín dụng ủy thác qua Hội Nông dân (ND) tăng 5 lần, chiếm 45% tổng dư nợ qua các tổ chức chính trị – xã hội, chủ yếu phục vụ giảm nghèo bền vững cho hội viên, ND…” – ông Nguyễn Văn Nghiệm-Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết.
Niềm vui của người làm tín dụng
Đến xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm), các cán bộ tín dụng Đặng Duy Khánh, Châu Thị Diệp Trâm, Phan Thị Trúc Hà ở Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cam Lâm đang tất bật tiếp gần 20 hộ thành viên của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của các chi hội ND thôn Vĩnh Đông, Vĩnh Nam, Vĩnh Trung. “Điểm giao dịch Ngân hàng CSXH đặt tại trụ sở UBND xã Cam An Nam tuy nhỏ và chật nhưng mọi người đều có ý thức kiệm lời để cán bộ tín dụng thuận lợi tiến hành các khâu trong quá trình giải ngân” - chị Trúc Hà cho hay. “Những ngày giải ngân vốn cho bà con, chúng tôi phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Nào là sổ sách liên quan đến danh sách hộ trả theo chu kỳ vay, có hộ làm thủ tục vay tiếp. Rồi còn phải liên hệ với Hội ND, chính quyền cơ sở báo cho các cô bác đến sớm... Công việc tất bật, nhưng đó là niềm vui của cán bộ tín dụng…”.
Các cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cam Lâm làm thủ tục giải ngân vốn cho nông dân xã Cam An Nam. Ảnh: K.D
Phó Giám đốc Nguyễn Văn Nghiệm nói nhỏ: “Mỗi tháng đều đều vào 1 ngày cố định, cán bộ của Ngân hàng CSXH phải có mặt tại các điểm giao dịch 14 xã và thị trấn, vừa giải ngân vốn mới, vừa thu nợ gốc, lãi và huy động tiết kiệm định kỳ”.
Ông Nguyễn Văn Nghiệm cho biết, trong số 317 tổ TKVV của 4 đoàn thể chính trị – xã hội thì Hội ND quản lý 131 tổ với 5.525 thành viên - cao nhất so với số thành viên và số tổ của Hội Phụ nữ, Cựu Chiến binh và Đoàn thanh niên. “Nhờ các cấp Hội ND hoạt động tích cực, hướng dẫn các tổ TKVV ở chi hội quản lý vốn vay, hướng dẫn bà con sử dụng hiệu quả đồng vốn nên cán bộ tín dụng cũng cảm thấy được san sẻ công việc…”.
Hết làm mướn, thoát nghèo nhờ vốn ưu đãi
"Các chi, tổ hội sinh hoạt định kỳ đều đặn, lấy nội dung chăm lo cho hội viên phát triển kinh tế nên thu hút được ND. Ngoài ra, chúng tôi có người bạn là Ngân hàng CSXH luôn đồng hành. Đến cuối năm 2017 ở xã Cam An Nam có 75% hộ ND tham gia sinh hoạt Hội ND…”. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - |
Nghe gia cảnh của mẹ con chị Trương Thị Phương ở thôn Vĩnh Trung, xã Cam Nam An, không ai nghĩ chị có thể tự nguyện ra khỏi hộ nghèo sang diện cận nghèo, và nay đang phấn đấu ra khỏi diện cận nghèo. Sau khi chồng qua đời, 2 mẹ con chị có 3.600m2 đất bạc màu trồng mía, mì. Ngày chồng còn sống, chị từng nuôi bò. Chồng mất, chị Phương phải bán bò trả nợ. “Mừng quá, năm nay, qua Hội ND xã, tôi được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để tái nuôi bò sinh sản…”.
Khác với chị Phương, vợ chồng anh Mô Văn An, dân tộc Thái (quê Lai Châu) hiện vẫn chưa thoát nghèo. Anh Mô Văn An kể cách xóa nghèo khá mới. Đất ít lại bạc màu nên làm mướn trở thành nghề mưu sinh của cả 2 vợ chồng anh An. Từ ngày được chi hội nông dân đưa vào sinh hoạt tại tổ TKVV số 2, anh An được hướng dẫn thủ tục vay vốn Ngân hàng CSXH để mua 2 con bò sinh sản. Đến nay, anh An trả xong nợ của chu kỳ vay vừa qua và tiếp tục vay tiếp 50 triệu đồng để mua thêm 2 con bò sinh sản. Anh An nói: “Vợ chồng em quyết tâm nâng đàn bò sinh sản lên gấp đôi hiện nay. Mình chăn nuôi có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên đàn bò khỏe, yên tâm…”.
Vợ chồng anh An còn làm thêm nghề "săn" con dời (trùn biển) làm thức ăn cho tôm nuôi. Mô Văn An khoe: “Một ngày, hai vợ chồng đào từ 2-3kg dời, kiếm nửa triệu đồng là cái chắc! Sang năm, anh quay lại sẽ thấy nhà em hết nghèo…”.