Thông thường, khu chợ Xinfandi ở phía Nam Bắc Kinh rất nhộn nhịp. Từ các cửa hàng thực phẩm, nhà hàng đến người mua bình thường rất hay lui tới đây để mua buôn hoa quả và rau củ.
Tuy nhiên, trong một buổi chiều gần đây, những người bán táo lại đang ngủ chứ không phải đang bận rộn bán hàng. Giá táo đã tăng gần gấp đôi, lên gần 1 USD/pound, và do đó người ta đang chi tiền vào những mặt hàng khác chứ không phải táo.
"Người mua táo trong những ngày này chắc hẳn là những người dư dả", Li Tao, người đã có hơn 20 năm bán táo cho hay. Thường thì các công nhân nhập cư cũng có thể mua táo, nhưng giờ thì loại quả này đã trở nên quá đắt đỏ.
Vốn đang phải đối mặt với nền kinh tế giảm tốc và cuộc chiến thương mại nóng bỏng với Mỹ, Bắc Kinh giờ lại có thêm một mối bận tâm mới: giá thực phẩm leo thang. Không chỉ táo mà nhiều loại hoa quả và rau củ khác cũng đều tăng giá. Trong khi dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng cao, giá các loại thịt khác như gà, bò và cừu cũng tăng theo.
Nếu không tính đến thực phẩm thì có vẻ như Trung Quốc không phải đối mặt với lạm phát. Nhưng giá thực phẩm tăng đã trở thành điều dễ cảm nhận được và khó có thể bỏ qua. Các quan chức nước này đang phải trấn an người dân rằng nguồn cung thực phẩm vẫn dồi dào, đồng thời bắt đầu triển khai các biện pháp bình ổn giá.
Thậm chí theo như tờ Tân Hoa Xã đưa tin, cả Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cảm thấy sửng sốt khi ông tới thăm 1 cửa hàng hoa quả ở tỉnh Sơn Đông hôm 25/5. "Giá đã tăng cao đến vậy sao?", ông Lý đã thốt lên như vậy sau khi người bán nói với ông rằng so với năm ngoái thì giá táo đã tăng hơn gấp đôi.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng cao. Dịch bệnh đã khiến hơn 1 triệu con lợn bị tiêu hủy. Còn đối với hoa quả và rau củ, giới chức nước này cho rằng nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh. Xu hướng tăng giá sẽ không kéo dài quá lâu.
Giá thực phẩm leo thang đúng vào thời điểm nhạy cảm. Các dữ liệu được công bố thứ 6 tuần trước cho thấy sự khởi sắc yếu ớt của nền kinh tế đang dần phai nhạt và nhiều khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm tốc trở lại. Hồi tháng 3, chính ông Lý đã thừa nhận rằng nền kinh tế đối mặt với nhiều áp lực và Bắc Kinh buộc phải hạ dự báo tăng trưởng năm 2019.
Trở lại những năm 1990, chính mức lạm phát cao chót vót đã làm trật bánh nỗ lực mở cửa nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc. Còn ở thời điểm hiện tại, có vẻ như chỉ có thực phẩm tăng giá nhưng điều đó cũng xuất phát từ nguyên nhân chẳng mấy vui vẻ: bong bóng vỡ trên thị trường bất động sản khiến giá thuê nhà hạ nhiệt, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên, và tại các nhà máy giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức thấp do tình trạng dư thừa sản lượng.
Các chuyên gia nhận định lạm phát chưa phải là vấn đề quá lớn đối với Trung Quốc. Nhưng việc giá thực phẩm tăng vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt của các hộ gia đình cũng như lãnh đạo nước này.
Tháng 4, giá thịt lợn đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá thực phẩm nói chung tăng 6,1%. Các lãnh đạo ngành nông nghiệp nước này cảnh báo với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì năm nay giá thịt lợn có thể tăng tới 70%. Không chỉ có vậy, việc các thương lái và lò mổ tăng mua để tích trữ thịt nhằm sau này bán ra ở mức giá cao hơn đã làm rối loạn mạng lưới các kho động lạnh và xe tải đông lạnh giúp vận chuyển thịt từ các trang trại tới bàn ăn.
Có ý kiến cho rằng giá thực phẩm tăng không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần mà còn là vấn đề mang tính chính trị. Trên mạng đã dần xuất hiện thái độ bất mãn. Dẫn thông tin từ Viện dinh dưỡng quốc gia cho rằng một người nên ăn ít nhất 500 gram rau và 250 gr quả mỗi ngày, một người bình luận rằng "giờ thì tôi chẳng còn đủ tiền để ăn uống, hoa quả đắt như vàng vậy".