Tại một buổi tọa đàm diễn ra hồi đầu tháng 1/2021, ông Nguyễn Đức Hưởng – Nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienViet PostBank đã đưa ra những dự đoán cho thị trường chứng khoán và bất động sản trong năm mới.
Cụ thể, tại thời điểm nhận định, tức 5/1/2021, vị chuyên gia cho biết cả bất động sản và chứng khoán đều là 2 kênh đầu tư đang lên ngôi, trong đó chứng khoán tạm thời thắng thế. Tuy nhiên, ông cho rằng đến cuối quý I/2021, chứng khoán sẽ "sập", bất động sản lên ngôi vì khi ấy, các ngân hàng mới thực sự ngấm đòn từ dư nợ, khó khăn trong huy động vốn và cho vay.
"Do đó, ai nắm chứng khoán ngân hàng thì sau Tết Nguyên đán nên bán ngay đi. Nếu anh chị mua đất, giá có hạ thấp thế nào thì nó vẫn là đất. Người đẻ ra thì đất lại lên giá. Còn chứng khoán, đã bong bóng rồi thì chỉ còn giấy thôi", ông Hưởng chia sẻ.
Đến nay, khi quý đầu tiên của năm 2021 vừa khép lại, thị trường có diễn biến đúng như lời "tiên đoán" của cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienViet PostBank?
Chứng khoán không "sập", cổ phiếu "vua" tăng giá vùn vụt
Còn nhớ, chỉ số VN-Index đã hồi phục từ mức đáy 645 điểm hồi tháng 3/2020 để hướng tới mốc 1.100 điểm vào tháng 12/2020.
Sau đó, 3 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn diễn biến khá tích cực. Theo số liệu được Tổng cục Thống kê mới công bố, trong Quý I/2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước.
Chỉ số VN-Index dù bị ảnh hưởng bởi tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE và đợt bùng dịch tại Hải Dương nhưng vẫn dao động quanh mức 1.000 - 1.200 điểm. Đặc biệt, việc VN-Index đạt ngưỡng lịch sử 1.200 điểm vào ngày 18/3 đã tiếp tục tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư.
Diễn biến chỉ số VN-Index 3 tháng đầu năm 2021.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn được Nguyên chủ tịch HĐQT LienViet PostBank khuyên bán ngay sau Tết Nguyên đán, lại ghi những diễn biến vô cùng tích cực.
Tính trên 25 nhà băng đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán theo số liệu chốt phiên ngày 17/3, có đến 18 mã đang có thị giá cao hơn hồi đầu năm. Trong đó, 8 mã có lợi nhuận trên 20%.
Điển hình như BAB, so với mức giá hồi đầu năm, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này đã có lãi trên 53%. Tương tự, giá cổ phiếu của NVB, VIB, VPB, OCB cũng tăng trưởng tích cực, trên 30%. Không chỉ vậy, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng chạm hoặc vượt đỉnh lịch sử ngay trong tháng 3.
(Nguồn: VnEconomy)
Đồng thời, một số nhà băng đã rục rịch lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2021, với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao. Ví dụ, MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25-30%. Mức tăng kỳ vọng tại OCB là 15%, SHB đặt lên tới 70%…
Chưa hết, báo cáo của JP Morgan ra ngày 20/2/2021 cũng cho biết nhóm cổ "vua" này được đánh giá là hấp dẫn nhất để nắm giữ trong khu vực.
Bất động sản "sốt" khắp nơi
Dường như lời dự đoán về bất động sản của ông Nguyễn Đức Hưởng đã đúng khi trong quý đầu tiên của năm 2021, thị trường địa ốc từ Bắc vào Nam đều khiến nhà đầu tư "đứng ngồi không yên".
Trong đó, phân khúc được nhà đầu tư cá nhân quan tâm bậc nhất là đất nền, do ảnh hưởng của các thông tin về quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông.
Tại miền Bắc, khu vực ngoại thành Hà Nội hay Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh đều ghi nhận hiện tượng sốt đất ảo. Ví dụ, sau thông tin công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021, giá đất tại Đông Anh đã tăng 15-20%, thậm chí có nơi tăng 50%. Hay một số khu vực ở Bắc Giang, nếu như giá đất trước kia chỉ khoảng 12-15 triệu/m2 thì nay đã tăng lên gần 30 triệu/m2.
Tại miền Trung, giá đất các khu vực như TP Vinh, Cửa Lò, Đô Lương, Yên Thành (Nghệ An), Khu đô thị Bắc sông Hiếu hay Khu đô thị Nam Đông Hà (Quảng Trị), hay Hòa Xuân, Hòa Quý, FPT, Phước Lý, Hòa Liên (Đà Nẵng) cũng "nhảy múa" không ngừng. Có mảnh đất tăng 200-300 triệu đồng so với trước Tết Nguyên đán.
Ở miền Nam, giới đầu tư đã đổ xô về Hớn Quản (Bình Phước), Bình Thuận, Tp. HCM để "săn" đất.
Tuy nhiên, hầu hết các cơn sốt này chỉ là ảo, chủ yếu do giới đầu cơ, "cò mối" làm giá, đánh vào tâm lý "sợ bỏ lỡ cơ hội" của nhà đầu tư. Chính quyền nhiều địa phương đã phải đưa ra thông báo hoặc yêu cầu tạm ngừng giao dịch bất động sản để hạ nhiệt cơn sốt ảo, tránh những hệ luỵ tiêu cực về sau.
Dẫu vậy, theo một chuyên gia trong ngành địa ốc, người Việt từ lâu vẫn coi bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn.
Dù có tính thanh khoản thấp hơn so với chứng khoán nhưng đối với những người không quen theo dõi bảng giá điện tử hằng ngày, hằng giờ, hoặc không ưa thích rủi ro, thì bất động sản vẫn là lựa chọn an toàn hơn. Vì thế, thị trường này được dự đoán sẽ tiếp tục diễn biến sôi động trong thời gian tới.
Đồng thời, các nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin kỹ càng trước khi quyết định xuống tiền. Đối với những nhà đầu tư mới tham gia, cần có người đồng hành am hiểu thị trường để tránh mắc bẫy sốt ảo hoặc "rót tiền" khi cơn sốt đã thoái trào.
"Mọi người phải xác định được tỷ lệ phân bổ vốn cho các kênh đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro và mục tiêu lợi nhuận tương ứng, sau đó tuân thủ nghiêm túc. Đồng thời, nên biết cơ bản cách định giá bất động sản trước khi đầu tư, bằng việc đánh giá giá trị mà bất động sản có thể tạo ra, hoặc so sánh với một bất động sản tương tự", vị chuyên gia nhắn nhủ.