Nhắc đến công ty tài chính chắc chắn không thể không nghĩ ngay đến Fe Credit – công ty con trực thuộc ngân hàng VPBank. Trong mảng tài chính tiêu dùng, Fe Credit đang nắm giữ vị trí số 1 với hơn 50% thị phần. Các vị trí tiếp theo thuộc về Home Credit – công ty trực thuộc tập đoàn Home Credit có trụ sở tại Séc và HD Saison – công ty liên doanh giữa HDBank và tập đoàn Saison của Nhật. Hơn chục công ty còn lại chia nhau miếng bánh nhỏ chưa trên dưới 20% thị phần.
Được kỳ vọng rất lớn
Trong giai đoạn 2015 đến 2017, Fe Credit thực sự đã là "gà đẻ trứng vàng" cho VPBank khi đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất mỗi năm. Trong đó năm 2017 đóng góp một nửa lợi nhuận và lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng sẽ chiếm trên 50% tổng lợi nhuận của năm 2018, tức khoảng 5.000 tỷ theo kế hoạch. Như lời ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nhiều lần nói trước các nhà đầu tư và báo giới, thì Fe Credit sẽ còn nhiều tiềm năng bởi mảng tài chính tiêu dùng còn phát triển tốt trong vòng ít nhất 5 năm nữa.
Tại HDBank, ngân hàng này cũng từng kỳ vọng rất lớn vào công ty tài chính. Với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn duy trì ở mức hơn 30% suốt từ năm 2015 đến 2017 và dự kiến giữ vững tốc độ này thì HD Saison sẽ đóng góp khoảng 39% vào lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất trong năm nay, tức cũng không dưới 1.000 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán HSC trong một báo cáo đưa ra hồi đầu năm đánh giá rằng, dù không thể tăng trưởng mạnh như Fe Credit nhưng do kiểm soát tốt nợ xấu, phân tán đồng đều các khoản vay ra nhiều mảng, tận dụng được hệ sinh thái khách hàng của các đối tác do HDBank mang lại… thì công ty tài chính này sẽ mang lại lợi nhuận bền vững hơn cho ngân hàng trong tương lai. Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng HDSaison "đẻ trứng vàng" cho HDBank.
Hay như Mcredit – liên doanh của Ngân hàng Quân đội (MB) với một đối tác khác đến từ Nhật là Shinsei Bank - từ khi đi vào hoạt động đến nay cũng được kỳ vọng rất lớn. Hồi cuối năm 2016, khi mới ra mắt liên doanh, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho biết công ty này sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường, với hướng đi là chú trọng vào quản trị rủi ro để duy trì sự bền vững lâu dài. Mục tiêu trong năm 2018 Mcredit sẽ đứng trong top 5 công ty hoạt động an toàn và hiệu quả nhất và nằm trong top 3 vào năm 2021.
Tại một hội nghị mới đây, Phó Tổng Giám đốc thường trực người Nhật của Mcredit cho biết công ty đã tăng trưởng hơn 200% từ đầu năm tới nay so với cùng kỳ năm trước và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này cả về qui mô và lợi nhuận trong năm 2019. Hiện Mcredit đứng ở vị trí thứ 6 trên thị trường tài chính tiêu dùng. Một báo cáo trước đó của công ty chứng khoán HSC thì đánh giá Mcredit có tiềm năng phát triển tốt, với dư nợ tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 120% và sẽ duy trì đà tăng trưởng 40-50% mỗi năm trong trung, dài hạn. Cũng giống như HD Saison của HDBank là tận dụng hệ sinh thái của ngân hàng mẹ, Mcredit cũng được cho là sẽ có những lợi thế nhất định từ hệ sinh thái khách hàng của MB, nhất là những khách hàng đến từ đối tác Viettel.
Ngoài ra còn một loạt các ngân hàng khác cũng đã đưa công ty tài chính vào hoạt động, chẳng hạn như SHB hay SeABank với những kỳ vọng sẽ tạo được cú đột phá mới cho ngân hàng hợp nhất trong tương lai như những gì mà các ngân hàng đi trước đã gặt hái. Bên cạnh đó, các định chế tài chính nước ngoài cũng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở Việt Nam khi nhận thấy niềm năng lớn của lĩnh vực này, điển hình như Lotte bỏ tiền mua công ty tài chính của Techcombank, Shinhan Card mua đứt công ty tài chính Prudential Việt Nam…
"Năng suất đẻ trứng" có dấu hiệu giảm rõ rệt
Dù những kỳ vọng được các ngân hàng và bản thân công ty tài chính đặt ra là có cơ sở. Song nếu ví công ty này như những con gà đang độ cho trứng thì thời gian gần đây rõ ràng năng suất cho trứng đã giảm rõ rệt, đặc biệt là ở 2 trong 3 công ty tài chính có thị phần lớn nhất.
Bằng chứng là ở VPBank, tỷ trọng của Fe Credit đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng hợp nhất 9 tháng vừa qua chỉ còn 36-37%, thay vì mức trên dưới 50% như trước. Nhiều chuyên gia dự kiến cả năm nay tỷ trọng lợi nhuận cũng chỉ giữ ở mức này, tức đâu đó khoảng hơn 3.000 tỷ, chứ không thể đạt như mục tiêu đề ra là chiếm khoảng 50% hay tương đương 5.000. tỷ. Nguyên nhân là bởi tín dụng của công ty tài chính này đang tăng chậm lại còn nợ xấu lại gia tăng nhanh chóng. Hơn nữa, theo lãnh đạo công ty từng chia sẻ, công ty còn phải tốn chi phí và nhân lực nhiều hơn vào công cuộc thu hồi nợ. Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng tín dụng của Fe Credit chỉ ở mức 10% trong năm nay (thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng hơn 30%) và lợi nhuận ngân hàng hợp nhất sẽ chưa đến 9.300 tỷ đồng – một con số thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu cổ đông thông qua.
Ở HDBank, công ty tài chính HD Saison gần đây cũng tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến. Trong 9 tháng đầu năm, theo tính toán của các nhà phân tích đến từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng như số liệu tổng hợp của tác giả, thì công ty tài chính chỉ đóng góp khoảng 21,4% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất (trong tổng 2.884 tỷ). Tỷ trọng này là thấp hơn đáng kể so với con số 39% trong tổng lợi nhuận hơn 3.900 tỷ đồng mục tiêu cho cả năm.
Home Credit dù là công ty tài chính có thị phần lớn thứ 2 song lại hiếm khi công bố kết quả hoạt động tại Việt Nam. Trong báo cáo mới nhất mà thị trường tiếp cận được là năm 2017 thì công ty cũng chẳng đề cập đến lợi nhuận mà chỉ nêu tốc độ tăng tổng tài sản và dư nợ tín dụng. Theo đó, dù có thị phần tới hơn 20% song dư nợ tín dụng năm vừa rồi cũng chỉ tăng khoảng 30%, thấp hơn so với tốc độ của Fe Credit và HD Saison. Trong tương lai, kết quả kinh doanh cũng không thể loại trừ trường hợp bị ảnh hưởng do 2 đối thủ cạnh tranh trực tiếp đang "quá mạnh và quá nguy hiểm", với việc cả hai cùng đang sở hữu số lượng điểm kinh doanh cao hơn hẳn và lượng khách hàng cũng đông không kém.
Hãy thôi trông chờ công ty tài chính là "gà đẻ trứng vàng", mà chỉ nên coi đó là cánh tay nối dài của ngân hàng?
Nhìn vào hoạt động của các ngân hàng có sở hữu công ty tài chính cho thấy, trong khi nguồn thu từ công ty tài chính giảm rõ rệt thì nguồn thu từ các hoạt động khác của họ lại gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Chẳng hạn như ở VPBank, trong 9 tháng đầu năm nay doanh thu của ngân hàng mẹ đã tăng 28% và lợi nhuận trước thuế tăng 41% so với cùng kỳ năm trước - gần bằng mức lợi nhuận cả năm 2017 làm ra. Đóng góp vào nguồn thu này có vai trò quan trọng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và thu hồi nợ đã xử lý rủi ro, bên cạnh mảng dịch vụ và thu từ phí vẫn duy trì tích cực. Tỷ trọng đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất từ ngân hàng mẹ tăng lên trên 60%, thay vì mức dưới 50% như trước đó.
Tương tự là ở HDBank, trong 9 tháng đầu năm, công ty tài chính giảm đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng hợp nhất so với trước đây, song ngân hàng hợp nhất vẫn ghi nhận mức lãi cao kỷ lục nhờ ngân hàng mẹ làm ăn tốt ở các mảng ngoại hối, chứng khoán và dịch vụ (đặc biệt riêng mảng dịch vụ tăng lãi gấp hơn 3 lần). Thậm chí so với cùng kỳ năm 2017, kết quả kinh doanh còn cao hơn gấp rưỡi. Ngoài phát triển tốt các mảng kinh doanh cốt lõi, ngân hàng còn mở mới được 39 điểm giao dịch, mở ra triển vọng về một kết quả kinh doanh tốt hơn nữa trong tương lai.
Chia sẻ với chúng tôi, phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, quan niệm về công ty tài chính như một "con gà đẻ trứng vàng" ngay từ đầu đã là không chính xác. Bởi lẽ theo ông, tài chính tiêu dùng chỉ là một phần trong hoạt động tín dụng của ngân hàng, cũng nằm trong hoạt động bán lẻ mà thôi. "Một ngân hàng có rất nhiều hoạt động và dịch vụ, trong tín dụng cũng có nhiều loại tín dụng khác nhau, do đó ngân hàng nếu quá coi trọng tín dụng tiêu dùng, xem đó là động lực phát triển thì có phần "oan" cho các hoạt động cốt lõi khác" – ông bày tỏ.
Và thừa nhận rằng mảng tài chính tiêu dùng ở nước ta còn phát triển do đối tượng khách hàng là những người có thu nhập thấp, không đủ điều kiện để vay ngân hàng là rất lớn, song ông vẫn khuyến nghị rằng, thay vì coi tín dụng tiêu dùng là "gà đẻ trứng vàng", nên chăng mọi người hãy thay đổi quan điểm và coi đó như là cánh tay nối dài của ngân hàng mà thôi!
Trong khi đó một vị chuyên gia khác thì bình luận, hoạt động tín dụng tiêu dùng có rủi ro nhiều hơn so với tín dụng thông thường do khoản vay đều là tín chấp và công ty tài chính cũng không thể huy động vốn từ dân cư để kinh doanh. Thế nhưng nhiều người "vin" vào lý do này để đẩy lãi suất vay tiêu dùng lên cao là chưa hợp lý, bởi theo ông, người ta lại đi lấy vấn đề rủi ro với các khách hàng xấu để áp lãi suất chung cho cả khách tốt lẫn khách xấu là chưa được công bằng cho những người trả nợ đúng, trả nợ đủ. Và ông cũng khuyến nghị các công ty tài chính nên tập trung vào quản trị rủi ro thay, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đa dạng và có sự phân biệt rõ ràng giữa các nhóm khách hàng để có các mức lái suất phù hợp sẽ giúp cho hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển tốt hơn cả về chất lẫn lượng trong tương lai.