Anh Trần Văn T., một nhà đầu tư lâu năm ở TP.HCM cho biết đã 5 tháng trôi qua anh và nhiều người khác chung nhóm đầu tư đất nền, nhà phố ở khu vực Tp.HCM “ngồi chơi xơi nước” khan hiếm sản phẩm để đầu tư lướt sóng.
Anh T. kể, vào năm 2008 có những tháng anh T. và nhóm bạn mua đến cả chục căn nhà phố với giá từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng, sau đó cho sửa chữa và bán ra hưởng khoản tiền chênh lệch từ 200 triệu - 1 tỷ đồng sau ít tháng đầu tư. Cũng trong năm đó, anh T. mua đến vài chục lô đất nền ở các Quận 3, Quận Phú Nhuận, Gò Vấp… để đầu tư và thu về khoản tiền chênh lệch không hề nhỏ nhờ cơn sốt tăng giá đất chóng mặt.
Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu năm 2019 thì thị trường bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Anh T. và nhóm bạn mua nhiều lô đất, nhà phố nhưng không thể ra hàng do giá leo thang quá cao vượt tài chính của nhiều gia đình trẻ. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại chuyển qua kinh doanh các lĩnh vực khác vì lo ngại bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dù giá nhà đất tăng cao nhưng trên thực tế thì để bán được hàng với mức giá như mặt bằng chung là không hề dễ dàng, trong đó xu hướng e ngại của các nhà đầu tư cũng ảnh hưởng đến các giao dịch.
Trong khi đó, với việc giá nhà đất tăng cao thì thị trường cũng khan hiếm nguồn cung. Anh T. ôm hàng nhiều nhưng không muốn bán giá thấp, trong khi đó hàng tháng phải trả một khoản tiền lãi kha khá ở ngân hàng khiến cho tổng nguồn thu trong năm 2019 của nhóm nhà đầu tư thấp hơn nhiều lần so với trong năm 2018, thậm chí có tháng phải chịu lỗ.
Bắt đầu tư giữa năm, anh T. tuồn được một ít hàng nhưng tình hình giao dịch khá chậm. Nhiều tháng nay cả nhóm anh T. ngồi chơi xơi nước vì không có sản phẩm giá thấp để mua vào, trong khi đó sản phẩm giá cao thì bị chôn chân không bán ra được.
Theo anh T., nguồn hàng nhà phố trong hẻm và đất nền ở TP.HCM vẫn còn dồi dào nhưng trên thực tế những căn nhà có giá dưới 2 tỷ hoặc những lô đất có giá dưới 1 tỷ đã gần như "tuyệt chủng" trên thị trường. Có chăng, nếu còn thì chỉ còn những căn nhà nhỏ chưa đầy 30m2 ở trong các hẻm cụt, ngập nước, nếu có mua vào cũng không thể bán ra bởi phần đa khách hàng đều không lựa chọn những khu vực này để ở.
Về đất nền, các quận gần trung tâm như Quận 3, Quận Phú Nhuận, Tân Bình… đều đã tăng giá đạt đỉnh. Giá hiện tại ghi nhận từ 80 triệu - 180 triệu/m2. Thậm chí có những nơi giá từ 200-300 triệu/m2. Còn đất ở mặt tiền thì anh T. cho biết không thể đo mức giá cụ thể vì quá cao và thậm chí nếu có tiền cũng không còn hàng để mua.
Trong khi đó, dân số ở Tp.HCM vẫn tăng lên nhanh chóng theo từng năm. Theo thống kê từ HoREA, dân số Tp.HCM hiện có khoảng gần 9 triệu người thường trú (kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng). So với dân số năm 2009 thì đã tăng 1.830.218 người trong 10 năm, trung bình tăng hơn 180 nghìn người/ 1 năm.
Ngoài ra, lượng người nước ngoài thường trú tại Việt Nam cũng đã tăng lên đáng kể. Do đó, theo tính toán của HoREA, TP.HCM sẽ cần có cơ chế, chính sách thực hiện các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số khoảng 1 triệu người trong mỗi 5 năm. Đây là con số đáng quan ngại nếu như phải giải quyết nhà ở cho chừng đó con người.
Trong khi đó, thị trường ngày càng thắt chặt các dự án mới. Nguồn cung hạn hẹp, nguồn cung cũ thì giá leo thang quá cao. Thậm chí, các dự án căn hộ cũng đã dao động từ 1,9 tỷ đến 3 tỷ đồng một căn.
Theo nhà đầu tư T., nghịch lý của thị trường là giá cả cứ leo thang nhưng ít giao dịch, thị trường “giậm chân tại chỗ” do không mấy ai đủ tiền để mua nhà, đất. Nhiều người lại lo lắng nếu mua bây giờ thì khi thị trường có sự điều chỉnh trở lại sẽ lỗ nặng nên không dám xuống tiền. Mặt khác, số người có khoản tài chính từ 3 tỷ trở lên là rất hạn hẹp.
Trong khi đó, người cần mua nhà đa phần chỉ có tài chính từ 1 tỷ đến 2 tỷ nên thị trường vẫn sẽ có xu hướng người người khổ sở tìm nhà nhưng giao dịch ảm đạm, thị trường khó được khai thông.
“Tôi đảm bảo ở thành phố này bây giờ cầm 1 tỷ trong tay thì đừng mơ đến chuyện mua nhà, mua đất. Mua chung cư với giá đó còn khó. Kể cả nếu anh vay tiền thì mua thì cũng khốn khổ vì hằng tháng phải cõng thêm gánh nợ ngân hàng không nhỏ”, anh T. nói.