Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 là 1,91%.
Như vậy, ngược lại xu thế giảm dần trong mấy năm gần đây (cuối năm 2016 là 2,46%, cuối năm 2017 là 1,99% và đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 1,89%), tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại.
Dù tỷ lệ tăng không lớn và vẫn nằm dưới 2%, nhưng hướng tăng mở rộng tại nhiều thành viên trong bối cảnh mẫu số tổng dư nợ để tham chiếu mở rộng khá nhanh.
Diễn biến trên đến từ nợ xấu mới phát sinh hay, từ tốc độ và mức độ xử lý có chậm lại hay từ tồn đọng trước đây chuyển về?
Theo đánh giá của giới chuyên gia, số nợ xấu mới này chủ yếu đến từ việc các ngân hàng ngày càng đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, mở rộng cho vay cá nhân, tài chính tiêu dùng. Đây vốn là mảng mang về lãi biên cao hơn nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cao hơn rất nhiều so với mảng tín dụng truyền thống.
Nhưng, đáng kể hơn cả, một phần nợ xấu tăng lên được cho là đến từ Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC )…
Quay ngược trở về quá khứ, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vốn đã phát sinh và tích tụ từ lâu, nhưng bắt đầu được quan tâm đặc biệt từ cuối năm 2011 khi yêu cầu tái cơ cấu đặt ra.
Trước đó, thị trường và công chúng vẫn quen với mức độ nợ xấu toàn hệ thống chỉ quanh 3%. Nhưng với yêu cầu tái cơ cấu, nhận diện đầy đủ hơn, quy mô thực từng được công bố và xác định tại tháng 9/2012 lên tới 17,21%.
Dấu mốc có ảnh hưởng cho đến nay, tháng 11/2014, Quốc hội thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó, một nội dung quan trọng là yêu cầu đến cuối năm 2015, Việt Nam phải đưa được tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.
Tuy nhiên, do số nợ xấu quá lớn đòi hỏi một lượng trích lập dự phòng rất lớn, nếu phân loại trực diện và dồn ép trích đủ có thể dẫn tới quá sức tại nhiều ngân hàng thương mại.
Theo đó, giải pháp VAMC ra đời và trở thành hướng xử lý chính yếu thời điểm đó. Một lượng lớn nợ xấu chuyển qua đây, cùng với một lượng cũng khá lớn được cơ cấu mà không phải chuyển nhóm theo cơ chế của Quyết định 780.
Từ tháng 10/2013, VAMC bắt đầu mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhưng phải hai năm sau, cao điểm lượng mua mới thực sự thể hiện, đặc biệt là trước yêu cầu trên của Quốc hội. Và đến tháng 9/2015, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành được yêu cầu đó, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức 3%.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu không đơn giản như vậy, vì đây không phải là hình thức mua đứt, bán đoạn, mà trách nhiệm xử lý nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng.
Theo cơ chế mua nợ xấu, sau 5 năm, khoản nợ xấu đã bán cho VAMC nếu chưa được xử lý sẽ quay trở về ngân hàng và nhà băng phải trả lại trái phiếu đặc biệt cho VAMC.
Tới thời điểm hiện tại, thời hạn 5 năm của các khoản nợ xấu "tạm gửi" nói trên lần lượt trôi qua, lượng trái phiếu đặc biệt lần lượt đáo hạn, các tổ chức tín dụng phải nhận lại những khoản nợ xấu đã bán sang VAMC trước đây nếu vẫn chưa xử lý được.
Trong khi đó, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước trong một báo cáo công bố mới đây, thì trong những năm qua, VAMC chưa thực hiện vai trò trong việc mua nợ và xử lý nợ xấu.
Điều này được thể hiện qua việc tổ chức này không thực hiện thẩm định giá mua (giá mua bằng dư nợ trừ dự phòng rủi ro do tổ chức tín dụng tự xác định); không kiểm tra, đánh giá khách hàng vay, tính trung thực, chính xác của hồ sơ, tài liệu và tài sản đảm bảo của khoản nợ...
Bên cạnh đó, VAMC xử lý nợ xấu sau khi mua chủ yếu thông qua việc ủy quyền lại cho các tổ chức tín dụng bán nợ.
Theo đó, có thể thấy, con số nợ xấu còn đọng tại VAMC là rất lớn, và đang dần quay trở lại bảng cân đối của các nhà băng.
Thống kê số liệu từ BCTC quý II/2019 của 17 ngân hàng đang niêm yết trên sàn cho thấy, tính đến ngày 30/6/2019, tổng nợ xấu của 17 ngân hàng ở mức gần 81,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.
Trong đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 6 cũng tăng 5,5% so với đầu năm, lên mức hơn 43,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2018 ở mức 55,8%.