Tín hiệu tích cực trong mùa dịch
Trong 2 năm gần đây, đối mặt với 4 lần đại dịch Covid-19, hầu hết các phân khúc bất động sản đều trải qua giai đoạn khó khăn. Nguồn cung sơ cấp đạt mức thấp, tình hình dịch phức tạp dẫn đến việc ra mắt dự án mới bị trì hoãn.
Theo báo cáo quý III/2021 của Savills được biết, nguồn cung sơ cấp căn hộ tại Hà Nội đạt 3.000 căn, thấp nhất trong 5 năm gần đây, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 14% tổng nguồn cung mới, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 lên phân khúc bất động sản nhà ở, TS Sử Ngọc Khương cho rằng, trên bình diện vĩ mô, thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn đón nhận những thông tin tích cực trong đại dịch.
Theo vị chuyên gia cho biết, tại các thành phố lớn như TP. HCM, Bình Dương, Hà Nội có mật độ quy hoạch hóa cao, vì vậy khi dịch bệnh bùng phát thì tốc độ lây lan nhanh và ảnh hưởng mạnh tới đời sống hàng ngày. Do đó, về mặt tích cực thì sau đại dịch các nhà quy hoạch đô thị sẽ có cơ hội nhìn lại cách phát triển quy hoạch như thế nào cho hiệu quả nhất.
Ông Khương cũng nhận định: “Các đô thị lớn ở các nước có quy hoạch các thành phố cách xa nhau trên thế giới, giữa các thành phố là rừng hoặc các khu đất trống thì tốc độ lây truyền dịch bệnh của rất thấp. Còn các nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam có mật độ dân số cao ở khu vực đô thị thì khi dịch bệnh diễn ra tốc độ lây truyền rất lớn”.
Mặt tích cực thứ hai là qua dịch bệnh này, các nhà hoạch định kinh tế nói chung, các nhà phát triển bất động sản nói riêng sẽ có cơ hội nhìn nhận lại chiến lược chung dài hạn. Vi bất cứ chu kì hoạt động kinh tế nào cũng có suy và thịnh và suy có thể vì khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, dịch bệnh…
Đặc biệt dịch bệnh sẽ là một trong những điều mà các nhà hoạch định kinh tế đặc biệt là ở tầm quốc gia cần xem xét cho định hướng phát triển của các ngành kinh tế khi có sự cố xảy ra.
Riêng đối với những nhà phát triển bất động sản thì đây là bài học để họ cân nhắc, nhìn lại trong những trường hợp bất khả kháng xảy ra thì sức đề kháng của mình ở đâu và cần làm như thế nào để tránh tình trạng kiệt quệ, khó có thể vực dậy được.
“Đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian Covid-19 vừa qua có những doanh nghiệp phá sản và không bao giờ vực dậy lại được. Đây là bài học rất tốt dành cho các nhà làm chính sách cũng như các nhà kinh doanh và đặc biệt là bất động sản xem lại chiến lược dài hạn của mình”, ông Khương nói.
Thời điểm này “lướt sóng” không hả thi
Đánh giá về phân khúc nhà ở, chuyên gia của Savills cho rằng để thị trường phục hồi và phát triển một cách nhanh chóng, cần có những biện pháp tốt hơn giải quyết những khó khăn về mặt thủ tục pháp lý, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
"Lướt sóng" trong thời điểm này là không khả thi.
Ông Khương nói: “Hiện tại chúng ta đang ở tháng 10 cũng là đầu quý 4, theo tôi đánh giá từ đây đến đầu 2022 sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong thị trường bất động sản. Việc các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch lướt sóng đẩy giá trong thị trường bất động sản trong thời gian tới cũng tương đối không khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn được kiểm soát dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh”.
Do đó, vị chuyên gia lưu ý, đối với nhóm đầu tư cá nhân, nếu nhu cầu nhà ở là bức thiết và nguồn tiền mua nhà đã có sẵn từ trước và không phải sử dụng đòn bẩy kinh tế.
“Theo tôi đánh giá đây là một cơ hội tốt để mua nhà, vì chúng ta đã có tích lũy trong thời gian dài vừa qua và hợp lý để chúng ta có thể an cư lạc nghiệp và đón Tết vui vẻ với một căn nhà mới”, vị chuyên gia nói.