Không còn mức giá siêu rẻ như năm 2020, thời gian này cua Hoàng đế (King Card) nhập khẩu tăng giá dựng ngược, lên mức 2-2,9 triệu đồng/kg.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát làm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nhiều loại “hải sản nhà giàu” giảm giá sập sàn. Đặc biệt, giá bán cua Hoàng đế nhập khẩu rẻ chưa từng thấy, các đợt giảm giá cũng nối tiếp nhau từ đầu năm đến cuối năm.
Theo đó, giá cua Hoàng đế Alaska loại đang bơi từ mức 1,9-2,3 triệu đồng/kg (thời điểm trước khi có dịch Covid-19) đã giảm xuống còn 1,2-1,5 triệu đồng/kg tuỳ trọng lượng. Giá cua ngộp, yếu, cua “thương binh” giảm còn dưới 750.000-900.000 đồng/kg tùy loại
Các chủ hàng cho biết, do giá cua siêu rẻ, người dân ồ ạt mua về ăn nên năm vừa qua, lượng cua tiêu thụ tăng khá mạnh. Có những chuỗi cửa hàng hải sản nhập khẩu, chỉ trong vòng 3-5 ngày, tiêu thụ hết vài tấn cua.
“Khoảng hai tháng trở lại đây, cua hoàng đế hết thời giá siêu rẻ. Mặt hàng này bắt đầu tăng giá dựng ngược, lên mức cao hơn cả trước khi có dịch Covid-19”, anh Nguyễn Mạnh Tuấn - quản lý một cửa hàng hải sản cao cấp ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói.
Cua Hoàng đế tăng giá mạnh dịp này (ảnh: tư liệu) |
Anh cho biết, năm ngoái các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nên chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Chuỗi nhà hàng, khách sạn ở nhiều nước đóng cửa khiến mặt hàng này khó tiêu thụ, đổ về Việt Nam với giá rẻ. Còn bây giờ, dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt, hoạt động kinh doanh buôn bán được mở cửa trở lại kéo theo nhu cầu cua hoàng đế tăng cao, giá cả vì thế cũng phục hồi. Đây là một phần lý do khiến giá “hải sản nhà giàu” này thời gian gần đây tăng mạnh.
Cụ thể, cuối năm 2020, giá cua Hoàng đế Alaska loại đang bơi trọng lượng từ 2,5-5 kg/con tại cửa hàng anh Tuấn được bán giá 1,3 triệu đồng/kg, nay đã tăng lên 2,3 triệu đồng/kg. Với những con cua “thương binh” bị gãy một chân hoặc hai chân, giá khoảng 1,8 triệu đồng/kg.
Theo anh Tuấn, giá tăng cao nên lượng người mua ăn cũng ít hơn. Từ con số 3-4 tấn cua tiêu thụ mỗi tháng (năm 2020), nay cửa hàng anh chỉ bán được 1-1,5 tấn/tháng.
Chị Trần Thị Ngọc Dung, chủ cửa hàng hải sản nhập khẩu ở Đường Láng (Cầu Giấy, Hà Nội), cũng thừa nhận, dịp này giá cua hoàng đế đang tăng mạnh. Cụ thể, giá cua sống mang đi tăng lên mức 2,3 triệu đồng/kg cho kích cỡ cua từ 1,5-5 kg/con; giá chế biến mang về tăng lên 2,9 triệu đồng/kg.
Với mức từ 1,3-2,9 triệu đồng/kg, giá cua Hoàng đế hiện tăng gần gấp đôi so với mức giá năm 2020, chị chia sẻ.
“Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian qua nhà hàng chỉ bán mang về, cộng với giá cua đắt đỏ hơn trước rất nhiều nên người dân ít ăn hơn. Như tháng này, lượng cua tiêu thụ chưa đến 1 tấn, bằng 1/3 lượng tiêu thụ so với cùng kỳ năm ngoái”, chị nói.
Trên thị trường giá cua Hoàng đế dao động từ 2-2,9 triệu đồng/kg tùy loại (ảnh: tư liệu) |
Chị Lê Thị Thanh Hương ở Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái những đợt cua Hoàng đế giảm giá sập sàn, hầu như tuần nào gia đình chị cũng mua về ăn. Song, 3 tháng gần đây, số lần chị mua chỉ đếm trên đầu ngón tay vì giá tăng quá cao.
“Như hôm qua, tôi mua con hoàng đế gãy một chân mà giá lên tới 1,8 triệu/kg. Con cua này nặng 2,5kg, hết 4,5 triệu đồng. Với số tiền này, ở thời điểm tháng 11 năm ngoái có thể mua được khoảng 4,5kg cua cùng loại, còn nếu là hàng đang bơi nguyên con cũng mua được tới 3,5kg”, chị nói.
Trên thị trường hiện nay, cua Hoàng đế là mặt hàng hải sản nhập khẩu được bán phổ biến tại các siêu thị lớn, cửa hàng hải sản hay trên “chợ mạng”. Tuy nhiên, các chủ hàng đều thừa nhận, giá loại cua khổng lồ này đang tăng mạnh, lên mức 2-2,5 triệu đồng/kg, thậm chí có nơi bán tới 3 triệu đồng/kg cho loại cua đang bơi.
Giới buôn bán cua hoàng đế ở Hà Nội cũng cho biết, mùa đánh bắt của cua Hoàng đế Alaska rơi vào mùa thu đông, thường bắt đầu từ tháng 10. Vào mùa này, cua đã đạt đến độ trưởng thành nhất định, chắc thịt, có vị ngọt thanh khiết. Không những chất lượng cua tăng cao mà giá thành cũng giảm đáng kể vì sản lượng cua thu hoạch được nhiều hơn những mùa còn lại.
Còn những tháng hè, cũng có cua hoàng đế nhưng sản lượng đánh bắt rất ít vì đây không phải sản vụ chính. Thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ các loại hải sản, trong đó có cua hoàng đế, cũng tăng trở lại. Thế nên, lượng cua về Việt Nam ít, giá cũng được đẩy lên cao hơn nhiều.
Châu Giang