Hàng loạt trang web thương mại điện tử đóng cửa
Hôm qua (27/3), website thương mại điện tử (TMĐT) Robins.vn thông báo dừng hoạt động bán hàng trực tuyến. Hiện trang web này không còn hiển thị sản phẩm mà thay vào đó là giới thiệu về 2 cửa hàng của Robins tại Hà Nội và TP HCM.
Robins.vn ra mắt tháng 5/2017, thuộc sở hữu của Central Group – tập đoàn Thái Lan nắm trong tay chuỗi siêu thị Big C và cửa hàng điện máy Nguyễn Kim. Tiền thân của Robins.vn là sàn TMĐT chuyên về thời trang Zalora – gia nhập thị trường Việt Nam năm 2012 và được Central Group mua lại vào năm 2016.
Thông báo ngừng hoạt động của Robins.vn. Nguồn: Robins.
Việc Robins.vn đột ngột đóng cửa khiến nhiều người tiêu dùng bất ngờ, tuy nhiên đây không phải trường hợp bỏ ngang hiếm hoi trên thị trường Việt Nam. Cách đây vài tháng, trang TMĐT Vui Vui.com của Thế giới Di Động cũng nói lời chia tay sau 2 năm hoạt động. Ở thời điểm ra mắt, Vuivui được những nhà sáng lập kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 4-5 năm, thậm chí vươn lên dẫn đầu ngành vào năm 2020.
Trước đó, thị trường TMĐT Việt Nam cũng chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt trang web như Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn... Trước khi dừng hoạt động, Beyeu.com - một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư - còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người còn lại".
Cuộc chiến “đốt tiền” của các “ông lớn”
Lời nhắn nhủ của Beyeu.com phản ánh đúng thực trạng của thị trường TMĐT Việt Nam - khi tài chính cạn kiệt, các doanh nghiệp thiếu tiềm lực đành dừng cuộc chơi. Lazada hay Shopee chiếm được thị phần lớn trên thị trường chỉ sau một thời gian ngắn cũng nhờ vào nguồn vốn đầu tư dồi dào.
Beyeu.com để lại lời nhắn trước khi dừng hoạt động. Ảnh chụp màn hình.
Theo báo cáo của nền tảng tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá iPrice, các công ty TMĐT Việt Nam liên tục được các quỹ đầu tư quốc tế rót vốn trong thời gian qua.
Ngay đầu năm 2018, Tiki được tập đoàn JD của Trung Quốc "bơm" tiền, bổ sung vào khoản đầu tư 44 triệu USD đã nhận trong năm 2017. Đến tháng 9/2018, công ty này nhận thêm 122 tỷ đồng từ VNG.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm ngoái, Shopee Việt Nam cũng được công ty mẹ là tập đoàn SEA (Singapore) tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ. Trước sự bành trướng của đối thủ Shopee, tháng 3/2018, tập đoàn Alibaba quyết định đổ thêm 2 tỷ USD vào Lazada để tăng khả năng cạnh tranh.
Không thua kém các đối thủ, trong năm 2018, sàn TMĐT Sendo cũng kêu gọi được tổng cộng 51 triệu USD từ SBI Holdings (Nhật Bản) và một số công ty khác.
Các sàn thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất năm 2018. Nguồn: iPrice.
Theo iPrice, dòng tiền đầu tư "khủng" ngay lập tức đem lại sức mạnh cho các công ty TMĐT Việt Nam và tạo ra nhiều biến động cho thị trường.
Với Tiki, sau khi nhận được các khoản đầu tư, công ty đã có những bước tiến ngoạn mục. Hồi cuối quý III/2018, iPrice ghi nhận số lượt truy cập website của Tiki tăng đến 47,59% so với quý II. Đến tháng 10, Tiki bất ngờ leo lên vị trí thứ 2 toàn quốc về số lượt truy cập website trung bình.
Tương tự, Sendo cũng có sự tăng trưởng không ngừng trong năm 2018. Đặc biệt, vào dịp Black Friday hồi tháng 11 năm ngoái, Sendo công bố đạt 5 triệu sản phẩm bán ra trong một tuần. Đây là mức doanh số kỷ lục của sàn này.
Tuy vậy, bước tiến đáng nể nhất năm 2018 thuộc về Shopee Việt Nam. Sàn TMĐT này bắt đầu năm 2018 ở vị trí thứ 3 về lượng truy cập website nhưng chỉ trong vòng 7 tháng, Shopee đã lên vị trí dẫn đầu. Theo iPrice, đây là lần đầu tiên kể từ quý II/ 2017, vị trí số 1 của bảng xếp hạng không thuộc về Lazada.
Trao đổi với phóng viên Người Đồng Hành hồi đầu năm, ông Trần Trọng Tuyến – Tổng thư ký hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) dự đoán cuộc chiến “đốt tiền” trên thị trường TMĐT năm 2019 sẽ tiếp tục diễn ra gay cấn.
“Thị trường TMĐT Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm tăng tốc và có nhiều cuộc đua gay cấn hơn so với năm 2018. Không ai biết trước sẽ có thêm một hay một vài cái tên mới xuất hiện hay ra đi nhưng chắc chắn cuộc chiến 'đốt tiền' giữa các công ty vẫn sẽ tiếp diễn”, ông Tuyến nói.
Thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển
Với dân số hơn 97 triệu người cùng lượng người dùng smartphone tăng nhanh, Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn đối với các công ty TMĐT.
Theo báo cáo chỉ số TMĐT 2019 của VECOM, quy mô thị trường năm 2018 ở mức 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.
Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.
Đồ thị: Linh Lam.
Ông Trần Trọng Tuyến cho rằng, để giúp một trang TMĐT phát triển, ngoài tài chính dồi dào, thế lực đứng đằng sau (nhà đầu tư) cũng là một trong những yếu tố quyết định.
“Dòng tiền có thể ví như dòng máu nuôi dưỡng cơ thể. Ngoài ra, để làm nên kỳ tích cần có một chiến lược đủ dài, đủ rộng để bỏ xa các đối thủ”, ông Tuyến chia sẻ quan điểm.