1. Đặc sản “gỏi cá sống kiến vàng” ở Kon Tum
Đến với dân tộc Rơ Măm (huyện Sa Thầy, Kon Tum), người ta truyền tai nhau phải thưởng thức bằng được cá gỏi kiến vàng – món ăn đặc sản, bổ dưỡng mà tổ tiên người Rơ Măm truyền lại. Món ăn mới nghe tên nhiều người cảm thấy sợ, nhưng khi được ăn rồi muốn ăn nữa.
Người Rơ Mâm dùng kiến vàng và trứng để nấu canh, trộn gỏi, xào với thịt thú rừng,…nhưng giữ được hương vị thơm ngon nguyên chất nhất chính là cá gỏi kiến vàng.
Cách làm cá gỏi kiến vàng không khó: Cá suối bắt loại vừa phải, bằng ba ngón tay, đem về làm sạch, băm nhuyễn, vắt cho cạn nước để đỡ mùi tanh. Kiến vàng chọn ổ kiến non, còn cả trứng đem về giã nhỏ để riêng. Sau đó, lấy muối hột, ớt xanh, tiêu rừng trộn chung cá với kiến vào, thêm chút thính gạo bột gạo rang cháy xém, dậy lên mùi thơm. Khi ăn lấy lá sung cuốn lại vừa miếng và thưởng thức, vị ngọt của cá suối hòa vào vị béo của kiến non, vị cay xé của tiêu, ớt tạo nên hương vị ngon tuyệt vời.
2. Đặc sản đuông dừa - vừa ăn vừa ghê
Dù là một trong những món đặc sản Việt Nam nhưng với nhiều người,việc nhìn thấy những con đuông dừa béo nhung nhúc, còn ngọ nguậy trông không khác gì những con sâu non đã thấy nổi da gà.
Đuông dừa là ấu trùng dạng sâu, sau mùa giao phối, loài bọ này thường chọn cây dừa sung sức, khoét ngọn rồi đẻ trứng vào rồi nở thành đuông dừa.
Chúng có hình dạng là những con sâu non, màu trắng sữa, thân mềm nhũn và khiến nhiều người yếu tim khóc thét khi nhìn thấy. Tuy nhiên, đuông dừa được cho là thực phẩm bổ dưỡng, nhiều người miền Tây thường ăn đuông dừa sống chấm với nước mắm.
Thả con đuông dừa vẫn còn đang ngọ nguậy trong miệng, cắn ngập chân răng, cảm giác dòng sữa từ đuông dừa béo ngậy tan dần trong huyết quản là cách người ta mô tả việc ăn đuông dừa.
Nhưng nhiều người lại nói, chưa biết vị đuông ngon thế nào nhưng cảm giác một loài thân mềm cứ "ngoe nguẩy trong khoang miệng" quả là không dễ chịu tí nào. Thế nên đừng nói là khách nước ngoài mà đại đa số người Việt cũng không dám nếm thử món này.
3. Đặc sản “cá nhảy” ở Sơn La
Những con cá nhỏ đang còn sống, nhảy tanh tách trong chậu được người Thái ở Sơn La chế biến trực tiếp và đưa lên miệng. Không ai bảo ai, thực khách nào cũng xuýt xoa khen ngợi và ngưỡng mộ về một nền ẩm thực độc đáo.
Món cá nhảy tuy cách chế biến khá đơn giản nhưng lại kén người ăn nên không được phổ biến tại nhiều địa phương. Điểm khác biệt của món này chính là ở cách ăn rất lạ lùng. Cá phải còn sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn.
Khi ăn, người ta bắt cá trực tiếp từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm. Khi mổ cá phải nhanh tay để cá vẫn còn sống, thả ra còn có thể giẫy được. Cá mổ đến đâu thì ăn đến đó, như vậy thịt mới giòn ngọt, không có mùi tanh. Mỗi thực khách dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức.
Thực khách sành ăn sẽ nhận ra ngay, món ăn có vị giòn, ngọt của thịt cá và lõi chuối, vị chua của nước măng, vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn lạ lùng, rất khó có thể tưởng tượng ra hương vị. Thêm nữa, cũng không nhiều người dám bỏ miếng cá sống vào miệng thưởng thức ngay lập tức.
4. Đặc sản hải sâm
Hải sâm còn gọi là đỉa biển vì nó có hình dáng như con đỉa. Hải sâm có giá trị cao trong trị bệnh, vì vậy nó còn được gọi là "nhân sâm của biển cả". Thịt hải sâm là một trong 8 món ăn "cao lương mỹ vị" nổi tiếng (bát trân) của phương Đông cùng với yến sào, bào ngư, vây cá...
Hải sâm được coi là món cao lương mỹ vị không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia. Chúng thường được chế biến bằng cách làm súp, hầm, om hoặc sấy khô để dùng dần. Tuy nhiên, người Nhật lại thích ăn hải sâm tươi với một chút giấm.
Với họ, món ăn có hương vị rất tinh tế nhưng với những người khác, nó khá khó nhằn và có phần nhạt nhẽo.
5. Đặc sản nhím biển (nhum biển)
Nhum chắc chắn là cái tên nghe rất lạ với nhiều người. Thực chất, nhum là tên gọi khác của nhím biển, cầu gai. Mặc dù sở hữu ngoại hình không được đẹp, với nhiều gai tua tủa quanh người nhưng từ xưa, nhum đã là loại nguyên liệu tuyệt vời để chế biến món ăn, chuyên dành để tiến cung.
Nhím biển có hai loại: trắng và đen. Nhím trắng thường dùng để nấu cháo còn nhím đen để ăn sống. Chúng có lớp vỏ ngoài cứng, thân tròn được bao phủ bởi rất nhiều gai. Mặc dù nhím biển nướng muối ớt hay mỡ hành rất thơm nhưng ăn sống vẫn ngon và bổ nhất. Người ăn chỉ cần tách đôi nhím biển, rửa sạch các sợi gân máu bên trong, rồi vắt chanh hoặc cho ít mù tạt vào đánh lên là có thể thưởng thức.
Chuẩn bị một ít cải bẹ xanh, mù tạt, muối tiêu chanh rồi ăn kèm với nhum đen sống thì ngon ngất ngây. Cái vị hăng nồng của mù tạt, của ớt cay sẽ át đi vị tanh đặc trưng của nhum. Một buổi chiều ngồi trên bờ biển, ăn nhum biển và nhâm nhi chút rượu cay cay thì thật tuyệt vời.