Vụ việc cháy nhà máy sản xuất bóng đèn Rạng Đông vừa qua đang làm xôn xao dư luận khi lượng lớn thủy ngân bị phát tán ra môi trường, tạo nên rủi ro tiềm ẩn với sức khỏe người dân lẫn xã hội. Tuy nhiên, một thách thức còn lớn hơn nữa cũng đang hiện hữu, đó là sự kỳ thị của cộng đồng với khu vực xảy ra vụ việc cũng như những người dân từng sống trong vùng.
Ngay sau khi có những thông tin về việc thủy ngân bị phát tán, rất nhiều tin đồn về việc chuyển nhà lánh nạn hay bán nhà tràn lan trên truyền thông, tạo nên sự hoang mang trong dư luận. Trên thực tế, Nhật Bản cũng đã trải qua câu chuyện tương tự và thậm chí với những nỗi đau còn day dứt hơn nhiều.
Những mảnh đời bị ruồng bỏ
Năm 2011 trận động đất mạnh đã khiến nhà máy hạt nhân tại Fukushima rò rỉ phóng xạ và khiến những người như chị Kazumi sống trong vùng phải chạy nạn lên thủ đô Tokyo. Đã 4 năm trôi qua và chính phủ đang dần kiến thiết lại khu vực nhưng gia đình chị Kazumi chẳng muốn quay lại.
Nỗi ám ảnh về nhiễm phóng xạ vẫn còn đó và những người dân như gia đình chị Kazumi vẫn chưa hết sợ hãi.
"Ai lại muốn cưới một người có khả năng nhiễm phóng xạ chứ?", chị Kazumi than thở.
Những người như gia đình chị Kazumi tại Nhật Bản được gọi là "Hibakusha", cái tên chẳng mấy xa lạ với người dân Nhật Bản. Thuật ngữ này được dùng để ám chỉ những người bị lây nhiễm phóng xạ, từ vụ thả bom nguyên tử Hiroshima-Nagasaki trong Thế chiến II cho đến rò rỉ nhà máy hạt nhân tại Fukushima Daiichi.
Nỗi đau mất mát khi người thân ra đi hay những vấn đề sức khỏe là rõ ràng với những nạn nhân này, nhưng nỗi đau bị kỳ thị và cộng đồng ruồng bỏ thì chẳng mấy ai thấu hiểu cho những Hibakusha. Những nạn nhân nhiễm phóng xạ và con cháu họ bị mọi người xa lánh vì những tật bệnh sau thảm họa.
Giáo sư Yukio Hayakawa của trường đại học Gunma viết trên Twitter: “Tôi không quan tâm nếu chúng chết hết. Không phải việc của tôi. Tôi chỉ quan tâm tới gia đình mình. Tôi không thể chịu được việc những người đó đang đầu độc chúng ta bằng sản phẩm của họ”.
Sự thiếu hiểu biết cũng như nỗi lo di truyền khiến Hibakusha bị cộng đồng lạnh nhạt. Các công ty không muốn tuyển dụng họ, mọi người hạn chế làm quen hay hẹn hò với họ, chính phủ chỉ trợ giúp được phần nào về thể xác nhưng không hỗ trợ được tinh thần cũng như thay đổi tư duy của xã hội.
Bất chấp những số liệu cho thấy người dân trong vùng nhiễm phóng xạ sinh con có tỷ lệ dị tật không cao hơn mức bình quân toàn Nhật Bản nhưng việc một người có mối quan hệ với những vụ rò rỉ hạt nhân muốn cưới người bình thường lại khó khăn hơn rất nhiều.
Trên thực tế, những nạn nhân nhiễm phóng xạ trong vụ thả bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki đã phải chịu sự kỳ thị và đau đớn trong suốt 70 năm qua. Bà Katsuko Kanamori, 71 tuổi, không kìm được nước mắt khi nhớ về 30 năm trước đây, lúc bà thổ lộ với người con đang học cấp 3 của mình rằng bà từng bị nhiễm phóng xạ trong vụ thả bom nguyên tử Nasasaki năm 1945.
Nguyên nhân rất đơn giản, người nhiễm phóng xạ như bà Kanamori, hay những Hibakusha thời kỳ đó chịu sự kỳ thị rất mạnh từ cộng đồng và bà chẳng muốn làm người con của mình bị sốc.
Năm 1945, bà Kanamori mới được 1 tuổi khi quả bom nguyên tử phát nổ tại Nagasaki. Mọi chuyện không có gì đáng kể nếu như gia đình bà không chuyển đến Gifu, cách xa Nagasaki. Cộng đồng khi đó đã rất sốc khi biết bà sinh ra tại Nagasaki và ráo riết truy hỏi liệu bà có bị nhiễm xạ hay không.
Bà Katsuko Kanamori cùng chồng Kazuhiko
Đây quả là trải nghiệm tồi tệ cho Kanamori khi mới chỉ là một cô bé. Bà quyết định che giấu chuyện từng sống trong vùng nhiễm xạ và luôn lo lắng khi nói chuyện với bạn bè do sợ bị phát hiện quá khứ. Ngay cả khi thành niên, Kanamori cũng từ chối một vài mối quan hệ do lo lắng việc họ phát hiện quá khứ của bà hay những hệ lụy khi sinh con sau này.
Cuối cùng Kanamori lấy Kazuhiko, một người đàn ông tàn tật và chấp nhận quá khứ của mình. Dẫu vậy cho đến tận ngày nay, thỉnh thoảng bà vẫn mất ngủ và rơi lệ khi nhớ về quãng thời gian khủng khiếp, lúc cộng đồng ruồng bỏ những Hibakusha như bà.
Ám ảnh kỳ thị
Gia đình bé Satsuki Sekine phải chạy nạn khỏi vụ rò rỉ phóng xạ ở Fukushima năm 2011. Tuy nhiên những nỗi đau vẫn đeo bám bé Sekine khi bị các bạn học bắt nạt bằng những trò đùa đầy ác ý.
"Nó là đứa trẻ từ Fukushima đấy. Nó bị nhiễm phóng xạ đấy" là những từ ngữ vẫn được bạn bè bé Sekine nhắc đến. Nghe có vẻ vô lý nhưng một đất nước phát triển như Nhật Bản với văn hóa lịch sự lại có thể vô cảm với những nạn nhân phóng xạ đến như vậy.
"Nhà của chúng tôi bị phá hủy sau trận động đất lẫn sóng thần. Một người thân của tôi thiệt mạng sau vụ thảm họa và chúng tôi phải chạy nạn do nhà máy hạt nhân rò rỉ phóng xạ. Tuy nhiên điều đáng buồn nhất là tôi lại bị bắt nạt ở trường vì việc đó. Tôi cảm thấy tủi thân đến mức chỉ muốn chết đi", bé Sekine, 15 tuổi, thổn thức.
Bé Sekine hiện phải sống cùng hơn 160.000 người được tái định cư gần Fukushima để chờ chính phủ xây dựng lại khu vực. Cô chẳng thể sống ở nơi khác khi người dân đối xử bằng những ánh mắt kỳ thị.
Nhật Bản mặc dù nổi tiếng với thái độ lịch sự và giúp đỡ những nạn nhân sau các vụ thảm họa, thiên tai nhưng họ lại đối xử rất kỳ thị với những Hibakusha.
Bé Urara Aoyama, 16 tuổi, từng sống gần Fukushima đã phải cố gắng che dấu quê quán của mình khi chuyển đến ngôi trường mới. Tuy nhiên lời đồn về việc cô nhiễm phóng xạ vẫn lan ra và cuối cùng Aoyama phải chuyển về khu tái định cư cùng với bé Sekine.
"Họ thường đàm tiếu sau lưng tôi, thậm chí còn cố to tiếng để tôi nghe thấy", bé Aoyama khóc nói.
Trẻ em chơi đùa gần một máy đo phóng xạ tại Fukushima
Một trường hợp thương tâm hơn diễn ra ở Yokohama, phía nam Tokyo khi một học sinh năm bị bạn bè tống tiền 14.000 USD. Tờ Asahi Shimbum năm 2016 cho biết cậu bé này bị đánh, bị chế giễu vì phải sống nhờ vào số tiền hỗ trợ của chính phủ cho thảm họa. Họ gọi cậu là "đồ cặn bã" cũng như tống tiền cậu khi biết họ nhận được trợ cấp từ chính phủ.
Với văn hóa "lịch sự", cậu đã phải nuốt trôi những tổn thương trong nhiều năm và chấp nhận ăn cắp tiền từ gia đình để trả cho bạn cùng lớp nhằm tránh khỏi những đòn "tra tấn" cả về thể xác lẫn tinh thần.
Chẳng riêng gì cậu, đến người mẹ của cậu cũng phải chịu sự dè bỉu của cộng đồng khi bị người dân ném rác vào người và nhận được những lá thư nặc danh yêu cầu gia đình chuyển đi nơi khác. Chẳng có một vụ bắt giữ hay điều tra nào từ phía cảnh sát được thực hiện bởi cộng đồng dường như không coi những người chịu ảnh hưởng từ phóng xạ là nạn nhân. Sự lỏng lẻo này tạo nên cơ hội cho những kẻ bắt nạt là kỳ thị từ mọi người.
Cần sự cảm thông từ cộng đồng
Số liệu từ Trung tâm tư vấn người nhiễm phóng xạ Hibakusha (HCC) cho thấy 80% số người sống sót sau vụ thả bom nguyên tử tại Nhật Bản chọn cách ẩn giấu danh tính, quê quán để tránh bị kỳ thị. Năm 2010, bà Kazuea Inoue viết tâm thư cho tờ Asahi Shimbum kể về cuộc đời mình khi bị từ chối nhiều cuộc mai mối vì quê quán Nagasaki của mình.
Khi bà Inoue giấu quê quán thì mới kết hôn được vào thập niên 1960 nhưng khi mẹ chồng phát hiện ra, cụ đã ép cặp vợ chồng ly hôn vì lo sợ cháu trai sẽ bị dị tật.
Tương tự, khảo sát năm 2017 của Asahi Shimbum cho thấy 62% số nạn nhân sơ tán khỏi vụ Fukushima chứng kiến hoặc phải chịu sự kỳ thị từ cộng đồng. Thậm chí, khu vực này đã trở thành điểm đen của xã hội khi mọi người xa lánh và coi thường những cư dân đã và đang sống tại đây.
Quay trở lại câu chuyện vụ cháy Rạng Đông, hiện vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng và những hệ quả gây ra đến mức nào nhưng tác động đến xã hội là đã quá rõ ràng khi nhiều người dân sợ hãi rời khu vực, các gia đình đưa con em về quê và thi nhau đi khám. Bất động sản quanh khu vực bị rao bán còn hoạt động kinh doanh, sinh hoạt bị đình trệ.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông