Ngày 27/8, phiên thứ hai liên tiếp thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước thực hiện “bơm” vốn qua kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO).
Như BizLIVE đề cập ở bản tin trước, sau một thời gian dài hoạt động ngân hàng mới có phát sinh giao dịch hỗ trợ nguồn ở kênh nói trên.
Hiện tượng mới sau loạt thay đổi
Trong phiên thứ hai liên tiếp đó, số lượng thành viên tham gia dự thầu và vay vốn qua kênh này đã tăng từ 2 lên 6, lượng vốn “bơm” hỗ trợ cũng tăng mạnh lên với đơn vị hàng nghìn tỷ đồng.
Theo dõi hoạt động điều tiết và cân đối nguồn của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam những năm gần đây, diễn biến trên như một hiện tượng trái vụ.
Cuối tháng 6/2019, thị trường mở từng xuất hiện phiên có giao dịch hỗ trợ nguồn lên tới 12.000 tỷ đồng. Quy mô này lập tức gây chú ý, nhưng cũng có hướng nhìn nhận ở thời điểm chốt quý thường phát sinh nhu cầu giao dịch để cân đối mang tính cá biệt nào đó.
Gây chú ý, vì những năm gần đây, đặc biệt từ 2016 đến nay khi mà Ngân hàng Nhà nước có quá trình mua ròng lượng lớn ngoại tệ, lượng VND cung ứng lớn và nhà điều hành phải thường xuyên phát hành tín phiếu để hút bớt về, thanh khoản hệ thống dồi dào và nhiều thời điểm dư thừa, nhu cầu mượn vốn qua OMO gần như mất hút, thảng có một vài giao dịch rất nhỏ.
Chỉ trừ yếu tố mùa vụ. Năm nào cũng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, mùa cao điểm thanh toán và chi trả, nhu cầu vay qua OMO của hệ thống mới kích hoạt và đẩy cao. Số dư hỗ trợ ở mùa cao điểm này khá lớn, phổ biến quanh 150.000 tỷ đồng, nhưng ngay sau Tết (tháng 2 dương lịch) thường nhanh chóng được trả gọn khi các dòng tiền trở lại hệ thống ngân hàng.
Hiện nay, với hai phiên liên tiếp xuất hiện giao dịch phải hỗ trợ nguồn qua OMO nói trên, có yếu tố “trái vụ” so với những năm gần đây. Số lượng thành viên tham gia cùng quy mô vốn cho vay tăng lên. Nhưng đây mới chỉ là hiện tượng và còn sớm để nói về một dòng chảy có tính lâu dài và thường trực hơn.
Là hiện tượng, nhưng gắn với loạt thay đổi xuất hiện trong hoạt động ngân hàng diễn ra gần đây.
Trước hết, lãi suất huy động VND trên thị trường bắt đầu có trường hợp vượt mốc 8%/năm ở kỳ hạn ngắn, rồi có chứng chỉ tiền gửi lãi suất vượt trên 10%/năm, ngày càng có nhiều ngân hàng thương mại nâng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn…
Và như BizLIVE đề cập cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã tạm “vắng mặt” trong cân tiền; hoạt động phát hành tín phiếu hút bớt tiền về đã tạm ngừng từ cuối tuần qua cho đến đầu tuần này; số dư tín phiếu lưu hành (có thể xem là nguồn dôi dư tạm “gửi kho” về Ngân hàng Nhà nước) cũng giảm hẳn còn quy mô rất nhỏ so với từng thừa tới 50.000 - 70.000 tỷ đồng phải hút về quãng nửa đầu năm.
Lãi suất liên ngân hàng cũng liên tiếp tăng nhanh và mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ cuối tuần trước cho đến đầu tuần này. Lãi suất VND qua đêm đã tiếp cận mốc 4%/năm, rất nhanh vì chỉ vài tuần trước mới chỉ quanh mức 2,9%/năm.
“Lãi suất trừng phạt” và điểm nhấn tỷ giá
Trên OMO, các ngân hàng cần hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Nhà nước phải chịu lãi suất 4,75%/năm, chỉ với kỳ hạn 7 ngày như hai phiên vừa qua.
Trước hết, cơ chế hiện hành áp trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm trên thị trường 1. So sánh ở đây khiến mức lãi suất trên quá đắt đỏ, nhưng khập khiễng.
Nhìn sang thị trường liên ngân hàng, một thời gian dài và vừa qua lãi suất VND kỳ hạn 7 ngày cũng chỉ giao dịch quanh 3%/năm.
4,75%/năm có thể xem là mức “lãi suất trừng phạt” khi ngân hàng thương mại khó khăn trong cân đối nguồn, thanh khoản và phải tìm đến Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ và phải chấp nhận mức cao đó?
Trao đổi với BizLIVE, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, dù 4,75%/năm được xem là cao nhưng cũng bình thường trong giao dịch vốn khi buộc phải vay lâu nay. Nó trở nên cao khi nhìn ra bên ngoài hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất.
“Nhưng nếu nói “lãi suất trừng phạt” từ nhà điều hành thì chính xác phải là 7,25%/năm. Đây là lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước”, vị lãnh đạo ngân hàng trên giải thích thêm.
Theo ông, “trừng phạt” ở 7,25%/năm được xem xét ở cái giá mà ngân hàng nào đó phải trả, khi quản trị hoạt động và nguồn có vấn đề, dẫn tới phải cho vay bù đắp từ nhà điều hành.
Mặt khác, mức lãi suất OMO 4,75%/năm ở một khía cạnh nào đó cũng được xem như một chốt chặn, hạn chế tình trạng tranh thủ vốn lãi suất thấp để kiếm lợi. Vì trước đây, có giai đoạn, lãi suất trái phiếu Chính phủ ở mức cao, ngân hàng đầu tư vào đây rồi dùng trái phiếu cầm cố, mượn vốn qua OMO có lãi suất thấp hơn xoay vòng nguồn để kinh doanh trên chính ngân sách và nguồn hỗ trợ…
Cùng nhìn nhận về hiện tượng phát sinh những giao dịch trên OMO, với số lượng thành viên cùng khối lượng vốn vay tăng lên, người trong cuộc trên cho rằng yếu tố nguồn của hệ thống hiện không thuận lợi như trước nữa, hoặc có thể xét đến yếu tố nhất thời dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.
Còn về nguồn, không hẳn tiền đang trốn đi đâu, mà cân đối còn liên quan đến yếu tố đầu vào.
Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, mức độ yêu cầu trở nên cấp thiết. Nếu đẩy mạnh được, tiền gửi ngân sách sẽ bớt khê đọng trong hệ thống ngân hàng.
Phía trước, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo thông tư, như BizLIVE phản ánh vừa qua, trăm sông sắp về một biển , dòng tiền gửi ngân sách từ các địa phương dự kiến sẽ kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước thay vì đọng lại tại các ngân hàng thương mại mà có thể góp phần điều hòa thanh khoản hoặc tạo nguồn đi kinh doanh.
Với những yếu tố mới về triển vọng nguồn đầu vào nói trên, cùng với hướng dịch chuyển nguồn từ một số ngân hàng thương mại lớn sang các kênh khác, thay vì tập trung cho vay trên liên ngân hàng, đều có thể tác động đến lãi suất và cân đối cung - cầu trên thị trường.
Hiện tượng giao dịch trái vụ phát sinh ở kênh OMO nói trên có thể chỉ ngắn hạn và tạm thời. Nhưng điểm được chú ý hơn là cân đối nguồn không còn dồi dào và thuận lợi như trước, lãi suất liên ngân hàng tăng lên và chênh lệch lãi suất VND với USD nhanh chóng doãng rộng trở lại.
Chênh lệch lãi suất này doãng rộng trên liên ngân hàng có tác động đến tỷ giá USD/VND, theo hướng VND có giá hơn. Thực tế, hơn một tháng qua VND lên giá khá mạnh, và trở thành một điểm nhấn trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ đã và đang trượt dài.