Theo phản ánh của anh N.T.V (phố Yên Phụ, Hà Nội), tháng 11/2021 anh đến chi nhánh ngân hàng A trên phố Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, Hà Nội để vay 600 triệu đồng mua ô tô. Tuy nhiên để tiếp cận được khoản vay, anh V được mời mua gói bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng với lời "hứa" sẽ giải ngân vốn vay nhanh.
"Do cả gia đình đã mua đầy đủ bảo hiểm nên tôi từ chối. Tuy nhiên nhân viên ngân hàng thuyết phục ‘mua thêm để tích lũy’; đồng thời khẳng định sẽ được lãnh đạo ngân hàng duyệt hồ sơ nhanh nếu tham gia gói bảo hiểm", anh N.T.V kể.
Từng đi vay 2 tỷ đồng tại một ngân hàng B, chị N.N.Q, phố Yên Phụ, Tây Hồ than thở cũng phải tham gia gói bảo hiểm 50 triệu đồng thì hồ sơ xét duyệt vay tiền mới thông. Để được việc, chị Q đã đồng ý tham gia nhưng vay vốn xong là bỏ gói bảo hiểm vì không có khả năng tài chính đóng định kỳ.
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên học viện Tài chính, việc kết hợp bán bảo hiểm giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thời gian qua khá hiệu quả. Thông qua đó, ngân hàng mang về khoản lợi nhuận khả quan cũng như giúp nhân viên có thêm thu nhập; đồng thời giúp ngành bảo hiểm ngày càng phát triển. Cũng do lợi nhuận từ mảng kinh doanh bảo hiểm mang lại, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh kinh doanh mảng này. "Họ giao chỉ tiêu kinh doanh kèm theo hợp đồng bảo hiểm, tức là một năm, cán bộ phải đem vào bao nhiêu tài khoản, bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm? Điều này tạo ra áp lực cho cán bộ ngân hàng. Khi bị áp lực, các cán bộ đã tìm mọi cách để bán bảo hiểm và vô tình đẩy khách hàng vay vốn ở thế khó khăn", ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng có công văn chấn chỉnh tình trạng "bán bia kèm lạc" này, trong đó khẳng định sẽ thanh tra, kiểm tra chuyện ngân hàng, doanh nghiệp "ép" khách vay mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan. Ngân hàng, doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn không giảm và chưa có trường hợp nào được cơ quan quản lý công khai, xử lý để làm gương răn đe.
"Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nhằm đảm bảo hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng", đại diện Bộ Tài chính chiều 2/12 nhấn mạnh. Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động đại lý cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.
Theo Bộ Tài chính, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể: Khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm; khoản 3 Điều 38 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bộ Tài chính cũng có công văn số 8533/BTC-QLBH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng (nếu có).
TCTD có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua TCTD không phải là sản phẩm của TCTD và không mang tính bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/7/2014 của Bộ Tài chính và NHNN.
Các hợp đồng đại lý bảo hiểm hiện ký với ngân hàng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Phía doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động làm việc và lưu ý đối tác ngân hàng nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật và hợp đồng đại lý, không được ép mua bảo hiểm kèm các gói sản phẩm vay của ngân hàng.