Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị phổ biến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam do Sở Công thương TP.HCM tổ chức sáng 25/10.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mặc dù không có Hòa Kỳ tham gia nhưng vẫn chiếm quy mô thị trường khoảng 13,5% GDP toàn cầu với gần 500 triệu dân. Hiệp định CPTPP sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy mở cửa thị trường, phát triển đầu tư cho Việt Nam với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Khi hiệp định này có hiệu lực thì sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ về 0%; 86,5% mặt hàng thuế sẽ về 0% sau 3 năm.
Bộ Công thương phổ biến nôi dung Hiêp đinh CPTPP cho DN TP.HCM
|
Tại hội nghị, các doanh nghiệp được phổ biến những nội dung tổng thể về CPTPP, các quy tắc xuất xứ hàng hóa theo quy định của hiệp định này; những điểm mới, khác biệt của quy định về xuất xứ hàng hóa theo CPTPP so với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia. Các doanh nghiệp cũng được hướng dẫn cụ thể về những quy định về quy tắc chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với các mặt hàng dệt may, giày da, thủy sản, nông nghiệp.... những điều mà nhiều doanh nghiệp rất rất quan tâm, vì đây là cơ sở để được hưởng thuế ưu đãi.
Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, CPTPP là hiệp định tiêu chuẩn cao, có nhiều cam kết phải thực hiện nên doanh nghiệp phải tìm hiểu sâu hơn nữa về các cam kết trong hiệp định.
“Các hiệp hội phải chủ động tìm hiểu và phân tích những cơ hội, khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thông qua hiệp hội truyền đạt những thắc mắc của mình lên Bộ Công thương. Về phía bộ, chúng tôi cũng đang xem xét việc xây dựng cổng thông tin phổ biến những nội dung của hiệp định và giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp”, bà Phạm Quỳnh Mai cho biết./.