Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) là hiệp định thương mại tự do giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có 12 nước.
CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12 sau khi Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định này, sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Khi Việt Nam gia nhập CPTPP chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng sẽ gặp phải không ít thách thức.
Ngành nào sẽ được hưởng lợi?
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho biết, khi tham gia Hiệp định CPTPP, cơ hội lớn với Việt Nam là thuế quan sẽ hỗ trợ cho ngành may mặc, da giầy, thực phẩm chế biến. Nhưng thách thức sẽ đến với lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tài chính.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Do đó, TS. Trần Hoàng Ngân đánh giá, hiệp định này sẽ hỗ trợ cải cách và hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường, cũng như đối với DNNN đang trong quá trình cải cách, nhưng sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế đó, để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cũng như khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển.Theo ông Ngân, CPTPP là một FTA toàn diện và tiến bộ. Toàn diện ở chỗ nó không giống các FTA trước đây là chỉ bàn về vấn đề thuế, cắt giảm thuế quan, CPTPP bàn luôn vấn đề về đầu tư, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, DNNN, người lao động, mua sắm chính phủ, DNNVV. Còn tiến bộ là không phân biệt giàu, nghèo.
Ông Ngân lưu ý, mặc dù CPTPP có 11 quốc gia, nhưng trong đó đã có tới 8 nước Việt Nam ký kết về hiệp định thuế quan. Vì vậy, khi có thêm CPTPP Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thêm việc cắt giảm các dòng thuế nhiều hơn, từ đây sẽ tác động đến phát triển kinh tế. Theo dự báo, xuất nhập khẩu và GDP sẽ tăng sau khi Việt Nam ký kết hiệp định CPTPP.
Phải dần quen với tư duy sản xuất lớn
Trong 11 quốc gia thì GDP của Việt Nam là thấp hơn so với 10 quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam lại có một thị trường rất tiềm năng với dân số 95 triệu dân, các nước rất quan tâm đến thị trường này. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp những thách thức nhất định, đòi hỏi doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường ngay tại sân nhà cũng như quốc tế, ông Ngân nêu rõ.
Đặc biệt, TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, với lĩnh vực nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, người nông dân phải dần quen với sản xuất lớn, tổ hợp tác, HTX cũng cần có những cơ chế nhằm khuyến khích đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy mới tạo ra được sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Nếu không mặt hàng về chăn nuôi, nông sản, thực phẩm chắc chắn sẽ gặp trở ngại từ 11 quốc gia này.
Hiệp định TPP-11 (hay CPTPP) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2018. (Ảnh: Getty) |
Theo đánh giá của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, CPTPP là một hiệp định tương đối toàn diện bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Do đó, hiệp định này vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung. |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, bên cạnh những lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là các lợi ích chưa thể tính toán được đến từ quá trình thúc đẩy cải cách thể chế, Hiệp định CPTPP còn tạo ra sự thúc ép rất lớn về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế và là điều kiện để Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn.
Dự kiến, hôm nay (2/11), Chủ tịch nước sẽ trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn, CPTPP được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo thuyết minh Hiệp định CPTPP. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, cùng các văn kiện liên quan.
CPTPP gồm 11 nước với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, khoảng 13% GDP toàn cầu. Nếu có Mỹ, TPP sẽ trở thành khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu. Các nước đã cứu vãn CPTPP với hy vọng nước Mỹ quay trở lại. Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc được cho đang xem xét việc gia nhập CPTPP./.