Tại đây, HoREA đã gửi đến 13 người mất trong vụ hoả hoạn, mỗi người là 15 triệu đồng và hỗ trợ 50 người bị thương nặng đang điều trị tại bệnh viện là 5 triệu đồng/người.
Bên cạnh đó, HoREA cho biết cũng sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng sửa Luật Xây dựng về nhà cao tầng phải tăng cường công tác phòng chống cháy, nổ. Trong quy chuẩn xây dựng Việt Nam thì tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng đã có hạng mục phòng cháy chữa cháy đã có quy định sàn thoát nạn.
HoREA sẽ đề nghị luật hoá bổ sung cần bắt buộc có sàn thoát hiểm. Có thể nằm các tầng giữa ở toà nhà và cần phải có đường dẫn thông qua với các block để người dân có thêm nhiều lối thoát hiểm. Đồng thời, mỗi tầng cần có thêm các ống thoát hiểm như nhà cao tầng ở nước ngoài.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết thêm hiện nay các chủ đầu tư cần tự giác nâng cấp các thiết kế phòng chống cháy nổ đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, hiện nay tranh chấp chung cư rất gay gắt, xảy ra thường xuyên nên xảy ra việc bảo hành, bảo dưỡng không đảm bảo chất lượng nên Quy chế quản lý vận hành nhà chung cư cần phải sửa đổi. Đơn vị phòng cháy chữa cháy cũng cần kiểm tra định kỳ tối thiểu 1 năm/2 lần về công tác phòng cháy chữa cháy.
Do được xếp vào nhóm công trình có nguy cơ cháy cao, nên Quy chuẩn Quốc gia Việt Nam về an toàn cháy cho nhà và công trình quy định khá khắc khe so với các công trình khác. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các quy chuẩn an toàn, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, giữa quy chuẩn và thực tế dường như đang có khoảng cách lớn.
Theo lãnh đạo một công ty tư vấn giám sát xây dựng có trụ sở trên địa bàn Q.1, căn cứ theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06), áp dụng cho các công trình xây dựng nhà CC thì cửa chính căn hộ trong CC phải làm bằng vật liệu có khả năng chống cháy không nhỏ hơn 45 phút.
Theo vị lãnh đạo này, với quy định trên, 45 phút là khoảng thời gian đủ để lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt triển khai công tác chữa cháy, cứu hộ khi xảy ra cháy. Bên cạnh đó, khi một căn hộ xảy ra cháy, với thiết kế giữ lửa như trên thì chắc chắn lửa và khói không cháy lan sang các căn hộ bên cạnh hoặc lối đi chung, hành lang thoát hiểm... không làm ảnh hưởng đến việc thoát nạn của cộng đồng cư dân.
Ngoài ra, QCVN 06 còn quy định với cửa thoát hiểm phải có khả năng chống cháy ít nhất 70 phút. Đối với các tiêu chuẩn chống cháy dành cho vách ngăn, trần nhà... còn cao hơn. Như vậy, nếu công trình thiết kế đúng quy chuần kỹ thuật, khi xảy ra cháy cư dân sẽ có ít nhất 115 phút để thoát ra ngoài, trong lúc chờ lực lượng chức năng triển khai phương án chữa cháy.
Tuy nhiên, rất nhiều CC xây dựng hiện nay đều không thực hiện đúng quy chuẩn. Thậm chí nhiều CC lắp đặt cả cửa gỗ, cửa vật liệu MDF...
Nhận định về công tác phòng cháy hiện nay, ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Hội xây dựng Việt Nam nói: "Luật PCCC hiện nay rất "đầy" nhưng chưa đủ thoát nạn sinh tồn".
Theo ông Đực, công tác PCCC trong các chung cư hiện nay được thẩm duyệt rất kỹ trên giấy nhưng khi ứng dụng vào thực tế lại khác. Điền hình là tình trạng chung cư chưa thẩm duyệt PCCC đã đưa dân vào ở. Đây là việc sai hoàn toàn.
Ngoài ra, luật hiện nay quy định nhiều nhưng chưa đủ. Công tác PCCC hiện nay chủ yếu chỉ thực hiện việc phòng và chống là chính. Còn vấn đề thoát nạn và cứu nạn lại phụ thuộc vào năng lực, đạo đức của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế là chính.
Đó là lý do có nhiều chung cư đáng lẽ thiết kế tầng hẩm phải có khoảng hở nhưng lại thiết kế kín; chung cư phải làm thoát khí theo chiều ngang nhưng lại làm thoát khí theo phương thẳng đứng (giếng trời) như cách chung cư Carina Plaza đang thực hiện. Chỉ cần cháy nhỏ khói sẽ bị hút lên cao khiến cả chung cư bị ngộp khói. Nhiều người chưa chết cháy đã chết ngạt. Những vấn đề này hiện nay luật hoàn toàn không có quy định.