Theo HoREA, cho thuê nhà ngắn hạn sử dụng dịch vụ Airbnb là một trong nhiều hình thức hoạt động kinh doanh của "nền kinh tế chia sẻ" trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng công nghệ mới, tương tự như loại hình Uber, Grab, "không gian làm việc chung (co-working space)" …
Theo báo cáo khảo sát năm 2019 của Grant Thornton, mô hình dịch vụ "chia sẻ phòng thuê Airbnb" đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam, với khoảng 30.000 đơn vị lưu trú.
Về mặt tích cực, phương thức này được thực hiện chủ yếu thông qua cho thuê nhà ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1-2 tuần…), phục vụ khách vãng lai, trọng tâm là khách du lịch do thường có nhu cầu thuê ngắn hạn. Dịch vụ Airbnb được sử dụng phổ biến trên rất nhiều nước, nên việc sử dụng dịch vụ này vào nước ta, có tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước, nhất là đối tượng có thu nhập không cao, muốn tiết kiệm chi phí lưu trú.
Với phương thức này giúp khai thác hiệu quả tài sản nhà ở, nhất là các phòng ở dôi dư, hoặc các căn hộ trong các khu vực có nhiều khách vãng lai, khách du lịch.
Tuy vậy, hình thức kinh doanh này chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để quản lý, điều chỉnh dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như làm thất thu ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp sử dụng nhà thuê sử dụng dịch vụ Airbnb để hoạt động tội phạm.
Bên cạnh đó, đã phát sinh "xung đột lợi ích" giữa người cho thuê căn hộ nhà chung cư sử dụng dịch vụ Airbnb với cư dân, do thường xuyên có người thuê nhà lạ mặt đến cư ngụ, gây tâm lý bất an và ảnh hưởng đến không gian riêng tư của các hộ gia đình trong chung cư.
Theo HoREA, Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 quy định cấm "sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở", nhằm mục đích không "làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư", nhưng cụm từ "sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở" chưa được Luật Nhà ở giải thích cụ thể. Bên cạnh đó, Điều 10 Luật Nhà ở quy định "Quyền của chủ sở hữu nhà ở" được "cho thuê" nhà ở và Điều 121 Luật Nhà ở quy định bên cho thuê nhà và bên thuê nhà được thỏa thuận về thời hạn cho thuê, có nghĩa là bao gồm cả trường hợp cho thuê ngắn hạn.
Theo đó, quy định cấm "sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở", có một số bất cập. Ngoài ra, còn có việc không cho phép đăng ký kinh doanh khởi nghiệp tại căn hộ chung cư (đối với cả các doanh nghiệp "siêu nhỏ" có dưới 5 lao động và sử dụng công nghệ thông tin, không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng), đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu căn hộ chung cư, nên trong 6 năm qua.
Đại diện HoREA cho rằng, cho thuê nhà theo hình thức "chia sẻ phòng thuê" có thời hạn cho thuê ngắn, trong đó có cho thuê căn hộ chung cư, là phương thức cho thuê nhà mới, sử dụng dịch vụ Airbnb, phù hợp với "nền kinh tế chia sẻ", chắc chắn sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số. Do vậy, không thể tiếp tục quản lý theo kiểu "tư duy cũ, không quản được thì cấm", mà cấm cũng không được, vì đây là nhu cầu thực tế của cuộc sống, có "cầu" thì tất có "cung".
Theo đó, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 công nhận hoạt động cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1-2 tuần…), là hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Đề nghị quy định người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật.
Đề nghị xem xét phương án quy định thời gian trong năm mà người cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn được hoạt động kinh doanh cho thuê.
Đề nghị xem xét phương án quy định người cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn, có nghĩa vụ đóng góp (bổ sung) kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, do hoạt động kinh doanh cho thuê nhà ngắn hạn dẫn đến làm gia tăng khối lượng công tác và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.